Lễ hội năm nay diễn ra ở công viên Lỗ Tấn thuộc quận Hồng Khẩu, thành phố Thượng Hải. Tuy vậy, khắp nơi trong thành phố, không khí Trung thu đã ùa về với những màn trang trí ấn tượng, đặc trưng hương vị Tết của tuổi thơ, của đoàn tụ gia đình.
Theo truyền thống của người Trung Quốc và một số quốc gia khác ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, cứ vào dịp Trung thu, người dân lại treo đèn lồng, giải những câu đố, vế đối treo dưới đèn, đoàn tụ cả đại gia đình và ăn bánh trung thu. Lễ hội đèn lồng thường được người Thượng Hải tổ chức trong tiết thu khi thời tiết chuyển giao giữa mùa hè và mùa thu, tuy vậy, ở nhiều thành phố khác Trung Quốc, lễ hội này được tổ chức trùng với Tết Nguyên tiêu tức là vào Rằm tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội đèn lồng quốc tế Thượng Hải năm nay kéo dài trong suốt 9 ngày từ 5/9-14/9.
Tại nhiều quốc gia Châu Á, hình ảnh đèn lồng đã trở nên vô cùng quen thuộc. Vào đêm rằm, các em sẽ rước những chiếc đèn lồng xinh xắn, xếp thành hành dài chạy khắp xóm ngõ và phá cỗ Trung thu. Ngày nay, tục lệ đó nơi còn nơi mất nhưng chiếc đèn vẫn là món đồ chơi phổ biến mà các bậc phụ huynh dành tặng cho con trong ngày Tết của trẻ thơ.
Khi đêm rằm đến, khắp phố phường, quảng trường, công viên đều sẽ được trang trí bằng những chiếc đèn lồng rực rỡ đủ màu bao gồm đèn hoa đăng, đèn hình người, đèn lâu đài, đèn bức tường, đèn con vật để tạo thành những mô hình đẹp mắt trang trí cho cảnh quan công cộng. Không khí đêm rằm náo nhiệt chẳng thua gì giờ phút đón chào năm mới của Tết Nguyên Đán. Quả vậy, đối với nhiều nước Châu Á, rằm trung thu có một vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó được coi là ngày lễ của đoàn viên, sum họp, của tri ân và cảm tạ cũng như thể hiện tình cảm với những người mình yêu quý.
Chiếc bánh nướng, bánh dẻo với nhân thập cẩm được bọc trong vỏ bánh tượng trưng cho sự sum vầy đoàn tụ. Khi những thành viên trong gia đình ngồi bên nhau ăn miếng bánh trung thu cũng là khi họ tận hưởng niềm vui sum họp quây quần của tình thân.
Trong ngày lễ này, người dân Trung quốc còn có tục lệ thả đèn trời mà người ta hay gọi là đèn Khổng Minh bởi nó giống như chiếc mũ mà Khổng Minh (Gia Cát Lượng) đội. Đèn được làm bằng giấy với một lỗ nhỏ ở đáy, khi thả chiếc đèn nhỏ lên trời, người ta tin là hạnh phúc và may mắn sẽ tới.
Ngoài ra, trong những hoạt động truyền thống của người Trung Quốc nhân dịp rằm Trung thu còn có tục lệ phụ nữ cùng nhau “đi bộ xua bệnh tật”. Hoạt động vì sức khoẻ này đã có từ rất lâu đời với niềm tin rằng vào dịp lễ hội đèn lồng này, nếu những người phụ nữ cùng nhau đi bộ thật xa, họ có thể xua đi những linh hồn quỷ dữ, xoá tan mọi bệnh tật. Ngày nay, tục lệ này vẫn còn được giữ gìn ở một số làng quê Trung Quốc.
Hồ Bích Ngọc
Theo Xinhua