Sau khi ngừng phun trào dung nham, các miệng núi lửa biến thành cánh đồng ở Mexico, những hồ nước đổi màu ở Indonesia hay hòn đảo hình lưỡi liềm tuyệt đẹp ở Hawaii.
1. Đỉnh Kim cương, Mỹ
Diamond Head (Đỉnh Kim cương) là tên của của một miệng núi lửa hình nón trên đảo Oahu, Hawaii. Nó được đặt tên bởi các thủy thủ Anh trong thế kỷ 19 sau khi họ nhầm lẫn các tinh thể canxit lẫn trong đá là kim cương. Miệng núi lửa là một địa danh ngắm cảnh nổi tiếng với người dân địa phương và khách du lịch. Trong miệng núi lửa này, Chính phủ Mỹ xây dựng một cơ sở quân sự bí mật. Ở khu vực khác là các khách sạn và người dân được phép đi lại tham quan, ngắm bờ biển tuyệt đẹp của hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng.
2. Kelimutu, Indonesia
Kelimutu là một ngọn núi lửa nằm gần thị trấn Moni, miền Trung đảo Flores. Núi lửa có 3 hồ với màu sắc khác nhau. Tiwu Ata Mbupu (hồ của ngươi già) là hồ nước nằm ở phía tây và luôn có màu xanh. Hai hồ khác là Tiwu Nuwa Muri Koo Fai (hồ của thanh niên và thiếu nữ) và Tiwu Ata Polo (hồ nước bị bỏ bùa) bị chia cắt bởi một vách đá núi lửa. Màu sắc chính của 2 hồ này là màu xanh lá cây và màu đỏ. Tuy nhiên, màu trong hồ sẽ thay đổi theo một giai đoạn nhất định. Nguyên nhân là do các lỗ phun khí dưới nước thường xuyên hoạt động và tác động đến màu nước hồ. Khi đến đây, du khách có thể nhìn thấy nước hồ thay đổi từ màu xanh nước biển, chuyển sang xanh lá cây và có khi là màu đen, trắng….
3. Rocas Bainbridge, Ecuador
Rocas Bainbridge là một chuỗi các miệng núi lửa hình nón ngoài khơi hòn đảo tuyệt đẹp Santiago, thuộc quần đảo Galapagos. Sau khi ngừng hoạt động, các miệng núi lửa tạo thành những hồ nước mặn, có mức nước nông và màu ngọc lam. Những hồ này cũng là nơi các đàn chim hồng hạc lớn đến kiếm ăn hàng năm.
4. Xico, Mexico
Núi lửa Xico nằm ở cực Nam của Thủ đô Mexico City, Mexico. Trong giai đoạn trái đất hoạt động địa chất mạnh, khu vực này nằm dưới nước của hồ Chalco. Hồ nước này sau đó cạn dần vào những năm 1300 và các ngư dân Aztec cổ đại đã định cư dọc theo bờ hồ. Trong thế kỷ 19, chính quyền Mexico rút hết nước trong hồ và giao đất cho ngư dân canh tác, trồng trọt hoa màu. Trong những năm 1970, ngành nông nghiệp bắt đầu phát triển và lôi kéo hàng nghìn người dân đổ về đây kiếm việc. Sau khi mật độ trong khu vực trở nên chật chội và đất nông nghiệp khan hiếm, người dân trèo vào miệng núi lửa để trồng trọt. Năm 2005, dân số ở thị trấn Xico lên tới 330.000 người.
5. Molokini, Mỹ
Molokini là miệng núi lửa hình lưỡi liềm, nửa chìm nửa nổi và tạo thành một hòn đảo nhỏ ở kênh đào Alalakeiki, Hawaii. Đây là khu vực rộng 93.000 mét vuông, đường kính khoảng 0,6 km và nằm cách công viên quốc gia Makena khoảng 4 km. Molokini là điểm đến hấp dẫn du khách với các dịch vụ bơi lặn. Hình dạng lưỡi liềm của miệng núi lửa bảo vệ thở lặn khỏi các con sóng và hải lưu mạnh. Quanh hòn đảo cũng có những rặng san hô tuyệt đẹp nằm ở độ sâu 6m. Ngoài ra, Molokini còn là nhà của 250 loài cá, sinh vật đặc hữu. Khu vực này được bình chọn là một trong 10 điểm lặn hấp dẫn nhất thế giới.
6. Seongsan Ilchulbong, Hàn Quốc
Seongsan Ilchulbong, còn có tên gọi Đỉnh Hoàng hôn, là một đỉnh núi hình nón hình thành từ các vụ phun trào dung nham xuống vùng biển nông cách đây 4.000 năm. Nằm ở bờ biển phía đông đảo Jeju và có hình dạng như một lâu đài cổ khổng lồ, miệng núi lửa có hình chiếc bát, cao 182m và kết cấu độc đáo. Đó là những đặc tính có giá trị về địa chất, cung cấp về quá trình phun trào và lắng động trầm tích của núi lửa. Miệng núi lửa còn có một thảm thực vật tươi tốt và là nhà của 6 loài cây quý hiếm.
7. Nabiyotum, Kenya
Miệng núi lửa Nabiyotum nằm ở phía nam của Turkana, hồ chứa kiềm lớn nhất thế giới. Vì cảnh quan tuyệt đẹp và kỳ thú, miệng núi lửa được xem là biểu tượng của hồ nước và thu hút rất đông khách du lịch đến thăm quan mỗi năm.
8. Aogashima, Nhật Bản
Aogashima là một hòn đảo núi lửa của Nhật Bản, nằm ở vùng biển Philippines và cách Thủ đô Tokyo khoảng 358 km về phía nam. Đây là hòn đảo nằm ở cực Nam và hẻo lánh nhất của quần đảo Izu. Điểm thu hút hút lớn nhất trên đảo là núi lửa đôi Aogashima. Bản thân hòn đảo là một miệng núi lửa khổng lồ và trong đó lại có một ngọn núi lửa nhỏ hơn. Aogashima có chiều dài 3,5 km, nơi rộng nhất là 2,5 km và bao quanh bởi các vách đá dốc và các lớp trầm tích núi lửa. Bờ biển phía nam nổi lên một ngọn núi dốc đứng có tên gọi Ikenosawa. Điểm cao nhất trên đảo là đỉnh Otonbu cao 423m. Trên đảo có một ngôi làng với khoảng 200 dân được quản lý bởi chính quyền Tokyo. Lần cuối cùng xuất hiện đợt phun trào núi lửa ở đây là năm 1875 và làm 140 người chết. Aogashima là một địa điểm du lịch thú vị và việc đi lại chủ yếu bằng phà hoặc trực thăng.
9. Santa Margarida, Tây Ban Nha
Santa Margarida là một núi lửa ở Garrotxa, xứ Catalonia. Miệng núi có chu vi 2 km, cao 692m và nằm trong công viên tự nhiên Garrotxa. Điều đặc biệt, giữa miệng núi lửa là tu viện Santa Margarida. Ngôi nhà này từng bị phá hủy năm 1428 trong một trận động đất và được xây lại năm 1865. Quanh miệng núi lửa là thảm thực vật dày đặc, nhưng ở vị trí trung tâm đất đai lại khô cằn và bằng phẳng. Đây là địa điểm du lịch hấp dẫn với du khách, nhưng lại có rất ít thông tin về tu viện Santa Margarida.
10. Koko, Mỹ
Koko là một miếng núi lửa hình nón khổng lồ chiếm phần lớn diện tích của đỉnh Koko, mũi đất phía đông vịnh Maunalua, Hawaii. Trong miệng núi lửa là những chuồng ngựa và một khu vườn rộng 2.000 m2 với loại cây chủ yếu là xương rồng. Khí hậu nóng, khô ở đây khiến khu vườn trở thành địa điểm lý tưởng cho các loại thực vật phát triển trên đât khô.
Bình An
Theo Infonet