R10 Vô Địch Thiên Hạ
Join Date: Nov 2007
Location: LCN
Posts: 55,869
Thanks: 40
Thanked 564 Times in 514 Posts
Mentioned: 2 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 74
|
Hãi hùng chuyện cọp dữ trêu người ở Mường Lát
Giáp mặt chúa sơn lâm
Ở Mường Lát (Thanh Hóa), nơi dòng sông Mã như con ngựa bất kham sau hành trình rong chơi bên đất bạn Lào trở về đất Việt, chuyện “cọp trêu người” đến nay vẫn còn mới nguyên như vừa hôm qua xảy đến.
Chúng tôi tìm vào bản Co Cài (xã Trung Lý) của người Mường, người Thái tìm hỏi chuyện những con hổ cuối cùng của xứ Thanh còn lẩn quất trong rừng già Pá Quăn.
Từ trung tâm huyện Mường Lát, mất chừng non nửa ngày đường vượt núi trèo đèo theo con đường tả ngạn sông Mã thì đến bản Nàng (xã Mường Lý).
Nộp đủ 30.000 đồng cho cha con người lái đò không chuyên thì cả người và xe được ngồi đò gỗ chòng chành vượt thác Mớ qua sông Mã. Lại cật lực vượt dốc Lìn nhìn lên không thấy đỉnh, thẳng đứng, trơn trượt cát núi. Cùng mấy người dân bản hè nhau đẩy xe máy đứt xích, chết máy khi gằn số vượt dốc, lại hì hục chung vai vác các bao tải gạo, rồi hỏi thăm: “Bản Co Cài ở đâu?”.
| Hổ nuôi nhốt ở Thanh Hóa | “Chạy mấy quăng dao nữa thì gặp suối Lý. Suối rộng nước xiết nhưng mùa này không sâu lắm đâu, quá nửa xe máy là cùng. Đường ngoằn ngoèo, nhưng cứ men theo lối mòn mà đi, bao giờ đếm thấy đã vượt qua con suối ấy đủ 6 lần thì đến nơi” - anh thanh niên vừa thở hổn hển vừa quệt mồ hôi nhỏ giọt trên trán nhiệt tình chỉ đường.
Chúng tôi tiếp tục hối hả chạy xe trên những lối mòn thường dành cho trâu bò và người đi bộ, chỉ mong nhanh chóng thoát khỏi rừng trước khi trời tối hẳn. Bởi đại ngàn Pá Quăn này mấy năm nay hổ vẫn xuất hiện, táo tợn vào tận nhà dân “cõng” lợn vào rừng.
Trưởng bản Ngân Văn Cảnh năm nay 57 tuổi, dáng người săn chắc, dẻo dai, nhưng có khuôn mặt khắc khổ buồn rầu.
Vào bộ đội rồi về bản, từ đó ròng rã suốt gần 30 năm làm trưởng bản, ông Cảnh gần như thuộc nằm lòng tất cả những đồi nương, nguồn suối, câu chuyện, sự kiện hay số phận mỗi con người ở cái bản nhỏ có 101 hộ dân, 452 nhân khẩu nằm giữa vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu này.
“Hổ à? Có đấy. Mới mấy năm trước nó còn về đây cõng mất bốn con lợn của bản. Chuồng lợn nhà tôi nó cũng vào, bắt đi một con. Mùa mưa năm 2006 thì phải” - ông Cảnh vỗ điếu, rít mạnh rồi “khà” một hơi thuốc lào, ngửa cổ thả khói về hướng dòng suối Lý. Bên kia bờ suối, gia đình ông dựng một chuồng lợn tạm bợ tranh nứa, cách chân nhà sàn chừng 40m.
“Trước đây hổ về Co Cài nhiều lắm, nhưng cứ thưa thớt dần. Gần đây mới thấy xuất hiện trở lại cả một cặp hổ. Người ta cứ đồn đại rằng chúng ngang nhiên nằm chềnh ềnh giữa bản, rồi vào hẳn nhà trưởng bản bắt lợn, nhưng không phải. Vì chuồng lợn nhà tôi cách một con suối, không nằm trong gầm sàn.
Bữa ấy, tầm 3 giờ sáng, tôi bật choàng dậy vì nghe thấy tiếng lợn kêu váng lên như bị… chọc tiết. Biết ngay là hổ về, vì hôm trước nó vừa vào bản bắt một con lợn nhà anh Đức. Nhưng trời tối như mực, không có vũ khí, tôi đành bật điện sáng trưng lên, gõ xoong nồi, hô hoán ầm ĩ để xua đuổi hổ.
Rồi cứ giương mắt ếch lên xem nó lôi con lợn đi mà không dám ra ngoài. Sáng ngày, cùng đám trai bản đi tìm thì thấy xác con lợn ở một vạt đồi khá xa bản, bị hổ xơi mất hơn một nửa. Quanh chuồng lợn đầy những dấu chân hổ hằn sâu, to như cái bát ăn cơm”.
Vẫn bằng chất giọng khi nhiệt tình, khi tưng tửng, ông Cảnh tiếp tục kể về cặp hổ đã quấy phá dân bản Co Cài, ngắt quãng bằng những “bi” thuốc lào sặc khói. Hôm đầu tiên hổ về lại bản Co Cài vào tầm 4 giờ sáng. Vợ anh Lò Minh Đức dậy sớm, lúi húi dưới chân nhà sàn nấu cơm, đàn bà Thái vẫn tảo tần thường chịu khó như thế.
Thoáng qua ánh lửa thấy bóng đen vọt qua, rồi nghe tiếng hổ gầm, tiếng lợn kêu thảm thiết. Chết đứng một lúc, nhưng sực nghĩ đến con lợn mình mất bao công chăm sóc thì người đàn bà xót ruột tiếc của ấy bèn gào tướng lên như cháy rừng cháy bản.
Nghe tiếng vợ kêu, anh Đức bật nhào ra khỏi giường, vớ ngay dao gậy, hô hoán dân bản rồi cùng đám thanh niên vội vã đuổi theo hướng tay vợ chỉ.
Ban đầu thì hăng máu, nhưng đuổi đến lưng chừng đồi thì cả đám thanh niên cứ ríu vào nhau không dám tiến nữa. Vì nghe tiếng lợn eng éc rất gần, nghĩa là hổ cũng đang ở ngay bên cạnh.
Đoán chừng hổ đang ở đoạn khe suối Cò Mòn, anh Đức cùng một người dân bản khác là anh Len Văn Định đi vòng leo lên đỉnh đồi đón đường hổ. Nhưng trời tối quá, cả hai đành ngồi im chờ đợi mà không dám hành động gì.
Trời sáng dần, xác định vị trí mình đứng khá an toàn, hai người bèn nhặt đá ném xuống chỗ con hổ nằm bên khe nước nhấm nháp món ăn khoái khẩu. Thấy động, con hổ giật mình choàng dậy ngoác miệng kêu “Ù uồm” mấy tiếng ra oai.
Hai người đàn ông cũng chẳng vừa, bởi trước đây họ vốn là dân đi rừng giỏi, gan dạ lắm nên chẳng ai khiếp sợ, tiếp tục vác đá ném xuống. Hổ gầm gừ giận dữ một lúc rồi cũng đành liếm mép bỏ con mồi, nhún người phi qua khe nước, tót vào rừng.
Đợi hổ đi xa, hai người gọi dân bản cùng khiêng lợn về xả thịt. Cả bản xôn xao bàn tán mãi về sự xuất hiện của con hổ dữ nặng ngót nghét một tạ này sau nhiều năm vắng tiếng gầm của hổ.
Lần ấy đông người đuổi theo hổ mà không được. Nhưng ít ngày sau cũng có mấy người trong bản một mình giáp mặt hổ giữa đêm tối, may không ai bị hại.
Ở Co Cài chỉ có một y tá thôn bản, nửa đêm gà gáy ai gọi cũng vội vàng chạy đến thăm khám, cấp thuốc là anh Hà Văn Pằn.
Bữa đó, tầm 21 giờ đêm, anh Pằn mới rời khỏi nhà người ốm, xách đèn pin đủng đỉnh đi bộ về nhà. Từ chỗ sáng đi vào bóng tối, nên khi soi đèn xa xa, thấy có hai luồng sáng phản chiếu, anh Pằn chẳng quan tâm lắm vì ngỡ đó là mắt mèo mắt chó gì đó.
Nhưng khi đến gần chừng 20m, hai chân anh cứ nhũn ra như muốn khụy xuống vì cùng tấm thân to lớn của chúa sơn lâm đang nằm chình ình chắn ngang lối mòn.
Định thần lại, bản năng nhắc anh Pằn nhớ ngay đến bài học vỡ lòng của người dân miền núi khi đi rừng bất ngờ gặp thú dữ. Tiếp tục chiếu thẳng đèn pin vào mắt hổ, hai chân anh chầm chậm giật lùi từng bước một.
Thấp thoáng ánh điện từ ngôi nhà sàn gần nhất, anh ù té chạy, miệng hô hoán ầm ầm. Bà con vội vã vác dao gậy xô cửa xông ra. Chỉ vút một cái, chúa sơn lâm đã biến mất vào rừng già u tịch.
Trong đêm tối, giáp mặt hổ với khoảng cách chừng mươi bước chân ở đầu con suối trong rừng già xa khu dân cư 3km mà không bị hại kể cũng là kỳ tích của anh Vi Văn Chiến, phó bản Co Cài.
Tầm 20 giờ, đang lúi húi chộp vồ cóc để về làm bữa cải thiện cho đám trẻ con còi xương, chiếc đèn pin trên trán anh bỗng quét thấy bộ lông vằn vện đặc trưng của chúa sơn lâm đang đứng chắn ngang trước mặt mình.
Hồn vía lên mây, tim như muốn rụng khỏi ngực, anh Chiến quẳng vội đồ nghề thoăn thoắt đu bám leo lên vách đá cao. Khi trống ngực bớt giòn giã, quờ tay vớ được viên đá, anh ném mạnh về phía hổ.
Chúa sơn lâm nhìn lên khinh thị rồi đủng đỉnh bỏ đi. Hồi lâu, anh Chiến tụt xuống, vội vã về nhà, vứt lại bộ đồ nghề soi cóc. Rồi anh Chiến cũng bỏ luôn nghề kiếm món bổ dưỡng xương cốt trong rừng đêm sau lần chết hụt ấy.
Lê Quân
|