(GDVN) - Tờ Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên cho biết trong một bài bình luận mới đăng tải rằng Washington phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo nên quốc gia này cần phải hành động trước để giải quyết bế tắc.
Theo Yonhap, ngày 30.4, Bình Nhưỡng đã lên tiếng kêu gọi Mỹ thực hiện các bước cơ bản để chấm dứt bế tắc hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un
Theo đó, tờ Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên cho biết trong một bài bình luận mới đăng tải rằng Washington phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo nên quốc gia này cần phải hành động trước để giải quyết bế tắc.
Bài báo cũng bác bỏ các suy đoán cho rằng Bình Nhưỡng muốn sử dụng khả năng hạt nhân của mình như một lá bài để mặc cả trong các cuộc đàm phán thiếu sự hiểu biết về ý định thực sự của quốc gia này.
"Lập trường mạnh mẽ của chúng tôi về vấn đề hạt nhân là kết thúc các chiến thuật đe dọa hạt nhân mà Mỹ và các đồng minh của nước này sử dụng như một công cụ để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước" - Rodong Sinmun viết.
Tờ báo hàng đầu của Bình Nhưỡng còn nhấn mạnh rằng khả năng hạt nhân của Triều Tiên là "sự lựa chọn cuối cùng" của người dân và quân đội.
Nhưng nói thêm rằng BÌnh Nhưỡng sẽ tiếp tục duy trì vũ khí hạt nhân của mình để đảm bảo an toàn cho bán đảo Triều Tiên và duy trì hòa bình ở châu Á.
Tờ báo cho rằng Mỹ điều máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2, B52H, tàu ngầm hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên tập trận chung là một âm mưu gây chiến tranh trong khu vực nhưng lại đổ lỗi cho lập trường của Triều Tiên.
"Trừ phi nước Mỹ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình, chúng tôi sẽ không từ bỏ khả năng hạt nhân của chúng tôi" - Rodong Sinmun viết.
Các nhà quan sát Triều Tiên tại Hàn Quốc cho rằng những tuyên bố trên là bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và nó có thể được sử dụng để buộc Mỹ phải ký vào hiệp ước hòa bình thay thế Hiệp ước đình chiến ký kết năm 1953 sau cuộc chiến tranh liên Triều.
Nguyễn Hường (nguồn Yonhap)