- Phát biểu tại buổi Hội thảo an ninh biển ngày 15/5 ở Singapore, trong khuôn khổ Hội nghị và triển lãm quốc phòng biển quốc tế biển châu Á (IMDEX Asia), Tư lệnh Hạm đội Nam Hải - Trung tướng Tưởng Vĩ Liệt đã lên tiếng kêu gọi các nước tăng cường giao lưu, hợp tác để cùng nhau duy trì sự an ninh và hòa bình trên biển. Đồng thời Tư lệnh Hạm đội Nam Hải cũng đưa ra đề xuất 5 điểm hợp tác quốc tế về an ninh biển.
Tưởng Vĩ Liệt (trái) đổ bộ và kiểm tra binh lính Trung Quốc đồn trú trái phép tại Đá Xu Bi, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam
Tưởng Vĩ Liệt nói, “Trung Quốc nhất quán chủ trương khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển theo hướng hòa bình, tăng cường hợp tác an ninh trên biển theo nguyên tắc bình đẳng, thực chất và cùng có lợi”. Ông này đưa ra kiến nghị 5 điểm gồm: Kiên trì quan điểm hợp tác an ninh biển theo nguyên tắc bình đẳng, thực chất và cùng có lợi; triển khai hợp tác an ninh biển phải phù hợp với tình hình đất nước và tình hình trên biển; xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác an ninh biển; tích cực duy trì tốt an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc nhất quán chủ trương bảo đảm an ninh và tự do hàng hải của các nước theo luật pháp quốc tế; tích cực phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc đóng góp xây dựng an ninh biển.
Cũng tại buổi Hội thảo, trong bài phát biểu của Đô đốc Greenert nói rằng “tương lai và sự thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, nơi mà các nguy cơ đe dọa an ninh trên biển đang là những thách thức lớn. Và những thách thức toàn cầu đó buộc Mỹ “phải chuyển hóa”, dù nước này đã và đang hiện diện ở khu vực với 50 tàu chiến và hàng chục ngàn binh sĩ suốt nhiều thập niên qua. Chiến lược tái cân bằng với kế hoạch tăng cường thêm lực lượng hải quân đến khu vực này xuất phát từ nhu cầu đó.
Ông Greenert nói rằng thực chất của chiến lược này là hợp tác, nhằm hỗ trợ các đồng minh, đối tác và các đối tác tiềm năng. Ông khuyến cáo các nước cần nhận diện những thách thức chung và có tiếng nói chung, chia sẻ thông tin và hành động chung. Việc diễn tập chia sẻ thông tin giữa lực lượng bảo vệ biển của 30 quốc gia tại quân cảng Changi của Singapore hôm 14/5 là một ví dụ cụ thể. Mỹ cũng sẽ đưa chiến hạm cận bờ (LCS) USS Freedom tham gia diễn tập hỗ trợ nhân đạo, giảm thiểu thiên tai và quân y gồm 10 quốc gia ASEAN và 8 đối tác lớn ở Brunei vào ngày 16 - 20/6.
Bên cạnh các hoạt động quân sự đa phương, ông Greenert nói Hải quân Mỹ cũng chú trọng hoạt động huấn luyện song phương với các đồng minh, cũng như nỗ lực đối thoại với Hải quân Trung Quốc. “Chúng ta cần đặt ra những nghi thức và cách thức đối thoại với nhau trên biển” một cách minh bạch
Cuộc Hội thảo diễn ra trong 3 ngày (từ 14 – 16/5), với sự tham dự của hơn 30 Tư lệnh hải quân và người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển cùng khoảng 300 quan chức hải quân từ 35 quốc gia.
Câu chuyện hợp tác quốc tế về an ninh biển được tướng Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường một loạt hành động gây hấn nhằm biến biển Đông thành ao nhà. Mới đây nhất, Trung Quốc đã xua 32 tàu cá ra đánh bắt cá trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra một biên đội tàu hộ vệ mang tên lửa của hạm đội Nam Hải cũng thực hiện cái gọi là "tuần tra sẵn sàng chiến đấu" và tập trận thường niên trái phép trong vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Gia Nghĩa
theo pn