Các tour xem Sumo trở nên đắt khách ở Nhật, khi ngày càng nhiều người quan tâm đến môn võ truyền thống này từ thời kỳ Covid-19.
Trong chương trình buổi trưa tại một nhà hàng ở Tokyo hồi đầu tháng 7, hai đô vật Sumo trình diễn giữa tiếng vỗ tay của khách du lịch. Sau đó, khán giả háo hức chụp ảnh selfie với các đô vật to lớn.
"Các con tôi rất vui. Tôi cũng rất vui khi đã tới đó và thử cảm giác đấu với họ", Kiernan Riley, 42 tuổi, du khách đến từ Arizona, Mỹ, nói. "Họ đã trình diễn rất hay. Đây chắc chắn là điểm nhấn trong chuyến du lịch Nhật Bản của chúng tôi".
Các cựu đô vật Sumo trình diễn trước du khách nước ngoài trong nhà hàng ở Tokyo ngày 3/7. Ảnh: AFP
Chương trình đấu vật Sumo được tổ chức ba lần mỗi tuần, nhưng do nhu cầu xem quá cao, khách hàng phải đặt vé trước ít nhất 6 tuần. Mỗi vé giá 76 USD, bao gồm phần thuyết minh bằng tiếng Anh và bữa trưa thịnh soạn.
Takayuki Sakum, cựu đô vật Sumo chuyên nghiệp cao 1,87 m và nặng 170 kg trong thời kỳ đỉnh cao, là một trong số các ngôi sao tham gia những buổi biểu diễn như vậy.
"Khi còn thi đấu chuyên nghiệp, cuộc đời ta phụ thuộc vào Sumo và phải rất nghiêm túc với nó", đô vật 35 tuổi nói. "Nhưng để biểu diễn cho du khách, chúng tôi có thể thêm vào một chút hài hước. Điều quan trọng nhất là giúp mọi người coi Sumo như một nét đẹp văn hóa".
John Gunning, cựu đô vật Sumo nghiệp dư từng thi đấu ở Ireland, cho hay mức độ phổ biến của môn thể thao này ở nước ngoài đã tăng vọt trong 5-10 năm qua.
Nhưng Sumo càng nổi tiếng hơn trong thời kỳ Covid-19, khi những người mắc kẹt vì lệnh phong tỏa muốn khám phá sở thích mới. Việc phát hành Sanctuary, bộ phim truyền hình mới trên Netflix về thế giới Sumo, cũng giúp môn võ này được nhiều người biết tới hơn.
"Nhiều người cho hay đây là lần đầu họ biết tới Sumo", Gunning nói.
Hiệp hội Sumo Nhật Bản năm ngoái ra mắt kênh YouTube bằng tiếng Anh có tên Sumo Prime Time, với các video thu hút hàng chục nghìn lượt xem.
Ken Miller, 68 tuổi, đang hướng dẫn nhóm du khách Mỹ tham quan "thánh địa" Ryogoku của võ Sumo ở thủ đô Tokyo, nơi có đấu trường Kokugikan. Dù giá vé lên tới hàng trăm USD, Miller cho hay ông đã kín hết lịch trong năm nay.
Một năm ba lần vào tháng 1, tháng 5 và tháng 9, đấu trường Kokugikan tổ chức các giải đấu quốc gia quy tụ những đô vật Sumo hàng đầu nước Nhật, với sự cổ vũ của hơn 10.000 người hâm mộ.
"Tôi giải thích với du khách rằng Sumo không chỉ là môn thể thao, mà còn là một phần văn hóa của Nhật. Nó có liên hệ mật thiết với Phật giáo và Thần đạo", Miller nói. "Đó là phong cách sống".
Du khách có thể tham quan "heya", nơi các đô vật Sumo sinh sống và huấn luyện theo chế độ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do mức độ quan tâm ngày càng tăng, nhiều heya đã cấm khách lẻ vào xem và chỉ đón tour đoàn, theo hướng dẫn viên Yuriko Kimura.
"Khi chúng tôi bắt đầu mở tour tham quan khu huấn luyện Sumo, mỗi tuần có một hoặc hai đoàn khách, bởi người ta khi đó chưa biết nhiều đến Sumo. Nhưng số tour tăng mạnh vào năm 2018-2019", cô nói.
"Tôi giới thiệu với họ rằng nên thể hiện thái độ tôn trọng với đô vật Sumo. Nếu người nước ngoài hiểu được nên và không nên làm gì, họ sẽ không cư xử sai", Kimura giải thích.
Khi tham quan heya, du khách phải ngồi yên, giữ im lặng để không làm phiền đô vật Sumo luyện tập. Trong khu huấn luyện Arashio ở trung tâm Tokyo có một cửa sổ lớn, nơi hàng chục người ngồi đó mỗi ngày để xem các võ sĩ huấn luyện.
Yuka Suzuki, 61 tuổi, vợ của một cựu đô vật tại khu huấn luyện này, cho biết mục đích ban đầu của việc lắp cửa sổ kính là giảm bớt ấn tượng "bí hiểm" về thế giới Sumo với người Nhật, nhưng nó ngày càng thu hút du khách nước ngoài. Suzuki hy vọng nhờ trào lưu này người dân Nhật Bản sẽ bắt đầu quan tâm trở lại với môn thể thao quốc gia.
"Các đô vật trẻ đến với thế giới Sumo để thử thách bản thân, nhưng nếu ngày càng ít người Nhật Bản cảm nhận được điều này, võ Sumo sẽ biến mất", bà nói.