Mỗi khi đau ốm, người dân tộc Khơ Mú ở bản Định Sơn 2, xã Hữu Kiệm huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sẽ chuẩn bị đầy đủ lễ vật rồi mời vị thầy trong bản có khả năng “đặc biệt” ngậm lửa cúng vía để xua đuổi con bệnh.
Lễ vật cúng vía
Từ TP. Vinh, ngược hơn 200km theo quốc lộ 7 lên huyện miền nùi Kỳ Sơn, rồi men theo con đường đất ngoằn nghèo dọc con suối nhỏ với hàng chục đèo dốc dựng đứng như đường lên trời, chúng tôi tìm đến bản Định Sơn 2, để chứng kiến khả năng đặc biệt của người "thầy" thường “làm vía” chữa bệnh cho người dân trong bản.
Mọi người vây quanh bên mâm lễ để chứng kiến lễ cúng vía cho người bệnh
May mắn, khi vừa vào đến đầu bản, hỏi một người già đang tắm bên con suối về ông thầy ngậm lửa làm vía chữa bệnh thì người này cho biết: "Ông ấy vừa đi rẫy mới về để chuẩn bị làm vía cho một người trong bản bị ốm. Nếu không thì khó mà gặp được, bởi thời gian này, người dân ở rẫy làm cỏ cả tháng mới về nhà một, vài lần."
Tiếp cận ngôi nhà sàn đang có khá đông người tập trung, nơi mà ông thầy mo sẽ đến để làm vía chữa bệnh cho ông Moong Văn Diện 75 tuổi, bị đau bụng từ mấy ngày nay.
Thanh sắt được nung đỏ và thầy Khăm đang đọc những câu thần chú để mở đầu màn vuốt tay lên thanh sắt được nung nóng để làm vía.
Vừa bước chân lên sàn nhà, ngay bên gian bếp, chúng tôi đã thấy 1 mâm lễ bày ra, mọi người ngồi vây quanh. Dù trời nắng nóng, nhưng mọi người vẫn ngồi, mặc cho bếp lửa đang rực cháy, khói bốc lên nghi ngút , cay xè cả mắt.
Bên trong mâm lễ gồm 1 chai rượu, 1 bộ cối giã trầu, hộp đựng trầu, 1 ngọn nến, 1 sợi dây dù, 1 bát gạo có cắm 2 que tre nhỏ, phía trên 2 que tre làm lua tua cuộn tròn trông giống như cánh hoa. Trong bát gạo có ngọn lá chuối xanh và một ít tiền lẻ nhiều hay ít là tuy tâm của gia đình người bệnh.
Trước khi bắt đầu làm vía, chúng tôi được giới thiệu vị thầy có khả năng "khác người" chuyên làm vía chữa bệnh cho dân bản hàng chục năm nay là ông Lương Thọ Khăm 72 tuổi, người có uy danh nhất bản, từ già đến trẻ, ai cũng phải kính trọng.
Vuốt dao nung, ngậm lửa... đuổi bệnh
Vài phút trước khi làm vía, mọi người ngồi vây quanh cái mâm lễ lặng thinh. Một không khí rất trang nghiêm.
Thanh sắt khi được nung đỏ, thầy Khăm sẽ vuốt bàn tay lên thanh sắt đã được nung đỏ để xoa vào bụng đuổi con bệnh cho người ốm...
Thầy Khăm mở lời bằng một loạt tiếng Khơ Mú, nhìn thẳng vào nguời bệnh. Sau đó, người bệnh cũng đáp lại như để miêu tả triệu chứng, cơn đau của mình.
Rồi thầy Khăm đốt thanh sắt vào trong bếp lửa đang cháy rực. Trong lúc chờ cho thanh sắt được nung đỏ, người phụ lễ tiếp tục rót rượu. Khoảng 10 phút sau, khi thanh sắt đã đỏ loè, thầy cầm ra lẩm nhẩm những câu thần chú rồi bất ngờ vuốt bàn tay trần qua thanh sắt và ém bàn tay của mình vào bụng người bệnh. Hành động này tái diễn liên tục đến lần thứ 3 thì dừng lại. Lúc này, phụ lễ tiếp tục rót rượu.
Màn biểu diễn vuốt tay lên thanh sắt đỏ loè khiến chúng tôi giật mình, há hốc mồm miệng, trong khi với những người dân bản ở đó thì họ bình thường như không có phản ứng gì. Với họ, hình ảnh đó đã quá quen rồi. Điều kỳ lạ là sau khi vuốt tay qua thanh sắt nung đỏ, bàn tay của thầy Khăm vẫn không hề bị bỏng.
Màn ngậm ngọn nến đang cháy rồi phà hơi thổi vào bụng cho người bị bệnh.
Hết màn vuốt tay qua thanh sắt nung cháy, thầy Khăm tiếp tục đọc những câu “thần chú” lẩm nhẩm rồi ngậm ngọn nến đang cháy vào miệng, sau đó phà hơi vào bụng người bệnh, xoa xoa. Hành động này cũng lặp lại đến lần thứ 3 thì dừng.
Với màn ngậm lửa vào miệng, thêm một lần nữa ông thầy già thuyết phục mọi người khả năng đặc biệt của mình.
Cuối cùng, thầy Khăm đọc mấy câu thần chú rồi cầm lấy sợi dây dù ở trong mâm được chuẩn bị sẵn từ trước buộc vào 2 cổ tay của người bệnh. Vậy là kết thúc buổi lễ làm vía. Mọi người cả đàn ông, đàn bà quây quần bên bếp lửa uống rượu, hút thuốc, chuyện trò rôm rả.
Bản Định Sơn 2, nơi có ông thầy mo với khả năng đặc biệt, chuyên làm vía, đuổi bệnh cho dân bản.
Khi chúng tôi hỏi sao thầy vuốt tay lên thanh sắt nung đỏ, và ngậm ngón nến đang cháy vào miệng mà không bị bỏng, thầy Khăm cười:"Đó là bí quyết. Có thế, mới được mọi người tôn sùng, tin tưởng giao nhiệm vụ làm vía cho dân bản."
Còn với người bệnh là già Diện thì: "Được thầy làm vía xong, ta tin tưởng sẽ khỏi bệnh, chắc chắn mấy ngày nữa ta lại đi lên rẫy được thôi."
Với người dân Khơ Mú, việc làm vía chữa bệnh là một phong tục có từ lâu đời. Ai cũng ý thức rằng, mỗi khi đau ốm đù nặng hay nhẹ đều phải làm vía. Tuỳ mức độ của bệnh mà lễ vật cúng vía cũng khác nhau. Nhẹ thì lễ vật đơn giản. Nặng thì phải có gà, lợn. Mức trầm trọng nhất thì phải mổ bò, mổ trâu.
Trần Văn/