Trang mạng artstechnica.com nói rằng sau khi blogger Trương Duy Nhất bị bắt tại tư gia ở Đà Nẵng hôm thứ Hai 27 tháng Năm và chuyển ra Hà Nội trong cùng ngày để được điều tra, trang blog “Một Góc Nhìn Khác” của ông đã bị chặn.
Blogger Trương Duy Nhất (TDN Facebook)
Từ hôm qua, trang blog này đã hoạt động trở lại, nhưng lại trở thành một cái bẫy sập để nhử những người truy cập bằng cách gài mã độc vào máy của họ.
Hôm qua, một phúc trình của Tổ chức Ký giả Không biên giới nói rằng vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất đặc biệt đáng quan ngại bởi vì nó chứng tỏ quyết tâm của nhà nước Việt Nam tiếp tục đàn áp và tống giam giới bất đồng, bất chấp những lời kêu gọi của các tổ chức bênh vực nhân quyền, yêu cầu Việt Nam phóng thích các blogger bị bắt. '
Tổ chức Ký giả Không biên giới: “Chúng tôi kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do lập tức và vô điều kiện cho ông Trương Duy Nhất và chấm dứt hành động đàn áp vô cớ này.”
Nói chuyện với Ban Việt Ngữ Đài VOA, blogger Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu nói rằng vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất có liên quan tới tiến trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với các lãnh đạo cao cấp trong Đảng và nhà nước Việt Nam.
VOA: Vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất nói lên điều gì về các cấp lãnh đạo Việt Nam? Có phải họ lo sợ giới bất đồng ở trong nước đang ngày càng lên tiếng lớn hơn để đòi dân chủ?
Blogger Người Buôn Gió: “Tôi nghĩ rằng thường khi họ ổn định rồi, các vị trí của họ vững chắc rồi thì có nói xấu họ như thế này thì họ cũng lờ đi thôi, nhưng mà khi bây giờ ở trong nội bộ của họ đang có bỏ phiếu tín nhiệm để cân nhắc từng chức vụ thì cái vị trí của họ đang bấp bênh, mà lại có người khác bên ngoài mà chỉ trích đến họ họ không muốn, thì họ có quyền lực thì họ bắt để bảo đảm họ được giữ nguyên chức vụ.”
VOA: Có phải để trấn áp những tiếng nói bất đồng khác?
Người Buôn Gió: “Anh Nhất thì cũng là người mà từ xưa đến nay và cách đây vài năm, anh cũng là một trong những đối tượng cần bắt để mà trấn áp các tiếng nói khác.”
Blogger Trương Duy Nhất bị tố cáo về hành vi vi phạm điều 258 của Bộ Luật Hình sự, là “lạm dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, một tội trạng có thể bị phạt tới 7 năm tù.
Theo VOA