Lực lượng tên lửa bờ Việt Nam đứng đầu ASEAN, thứ hai châu Á. Hoan hô Việt Nam, nược ta hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN sở hữu các hệ thống tên lửa bờ siêu âm có tầm bắn trên 300 km.
Với đặc điểm địa hình trải dài và hẹp, trong đó có hơn 3.000 km đường bờ biển, nhiệm vụ chống xâm nhập, chống đổ bộ cũng như bảo vệ cảng biển, căn cứ hải quân ven bờ là khá nặng nề.
Do số lượng tàu mặt nước, tàu ngầm cũng như máy bay chiến đấu còn hạn chế nên trong một thời gian dài lực lượng phòng thủ bờ biển chính là đối tượng được ưu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Nhận được sự trợ giúp của Liên Xô, Binh chủng tên lửa bờ đã được thành lập với 2 đơn vị đầu tiên là Đoàn 680 và Đoàn 679, trang bị tổ hợp 4K51 Rubezh tầm ngắn và 4K44 Redut tầm xa.
Đây là các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển có tính cơ động cao và uy lực lớn, đủ khả năng tạo ra "Lá chắn thép bên bờ biển Đông".
Xe mang phóng tự hành thuộc hệ thống Rubezh của Lữ đoàn 680. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Nếu Việt Nam có hệ thống Rubezh được xem là điều bình thường do tổ hợp này không có gì đặc biệt thì việc hệ thống Redut được Liên Xô chấp thuận viện trợ cho chúng ta lại rất đáng chú ý.
Redut với đạn tên lửa P-35B tầm rất xa, vận tốc siêu âm, mang theo đầu đạn cỡ lớn được coi là một trong những "Sát thủ tàu sân bay". Loại tên lửa này hiện vẫn còn trong biên chế trực chiến của Hải quân Nga.
Tại khu vực châu Á, ngoài Việt Nam thì chỉ Trung Quốc là có các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển siêu âm với tầm bắn tương đương.
Xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa bờ K-300P Bastion-P. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Bước vào thời kỳ mới, với định hướng đưa quân chủng hải quân tiến thẳng lên hiện đại và cũng là để gia tăng sức mạnh cho lực lượng tên lửa bờ, khi các tổ hợp Redut và Rubezh đã phần nào lạc hậu, hải quân đã được đầu tư mua sắm hệ thống K-300P Bastion-P.
Đây là tổ hợp tên lửa bờ tiên tiến nhất được Nga xuất khẩu ra nước ngoài tính đến thời điểm hiện tại. Mặc dù có tầm bắn ngắn hơn P-35B nhưng đạn tên lửa P-800 Yakhont của K-300P lại được đánh giá cao hơn hẳn vì rất khó đánh chặn, độ chính xác cao và đặc biệt là khả năng tác chiến nhóm độc đáo.
Bên cạnh đó có một số nguồn tin cho biết chúng ta sẽ đặt mua một hệ thống tên lửa bờ rất tiên tiến khác là Bal-E, đây được coi là người trợ thủ của Bastion-P.
Mặc dù thông tin này chưa được xác nhận nhưng với việc nghiên cứu sản xuất tên lửa chống hạm nội địa KCT 15 thì gần như chắc chắn lực lượng phòng thủ bờ biển Việt Nam ở tương lai gần sẽ có sản phẩm với tính năng ít nhất là ngang bằng.
Đạn pháo phản lực dẫn đường EXTRA và Accular xuất hiện trong Lễ duyệt binh Hải quân. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Ngoài đối tác truyền thống là Nga, Hải quân Việt Nam cũng đã có bước đi mới nhằm đa dạng hóa vũ khí trang bị bằng việc nhập khẩu đạn pháo phản lực dẫn đường EXTRA và AccuLARtừ Israel.
Đây là loại vũ khí cực kỳ hiệu quả khi tiêu diệt các bến đổ bộ hay khu tập kết đã được trinh sát và chuẩn bị sẵn phần tử bắn. Toàn bộ binh lực đối phương chắc chắn sẽ không còn cơ hội sống sót khi nằm trong vùng hỏa lực, thậm chí cả tàu đổ bộ đang thực hiện đổ quân cũng có thể bị EXTRA tiêu diệt.
Rõ ràng với số lượng và chủng loại đa dạng các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm, pháo phản lực có điều khiển, binh chủng pháo - tên lửa bờ của Việt Nam bỏ rất xa các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.
Nếu xét ở tầm châu Á, có lẽ chỉ Trung Quốc là sở hữu lực lượng pháo - tên lửa phòng thủ bờ biển "trên cơ" Việt Nam mà thôi.
VietBF@ sưu tầm.