Luật Bảo hiểm y tế quy định một số trường hợp mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng tuyến trên, khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Chiều 27/11, với đa số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT).
Cụ thể, Luật quy định về mức hưởng BHYT trên cơ sở xóa bỏ “địa giới hành chính” trong khám, chữa bệnh; mở rộng với một số trường hợp, như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng tuyến trên, khám điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Trong 42 bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ có ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lần đầu, viêm đa khớp dạng thấp nặng, ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận), phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, bỏng nặng, bệnh cơ tim, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ...
Bộ Y tế đang xây dựng danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện. Thông tư này dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2025. Bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho biết như vậy.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang thực hiện tích hợp giấy chuyển tuyến trên điện tử để giảm thủ tục hành chính cho người bệnh.
Tại Việt Nam, khoảng 100 căn bệnh hiếm (như bệnh máu khó đông, các bệnh rối loạn chuyển hoá...) và 6 triệu người đang mắc bệnh hiếm, trong đó có tới 58% bệnh hiếm xuất hiện ở trẻ em, 30% trẻ mắc bệnh hiếm tử vong trước 5 tuổi.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) cũng quy định theo hướng mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà.
Trước khi Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu luật mới có 8 nhóm điểm mới:
Đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng để phù hợp hơn và đồng bộ với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và luật khác có liên quan.
Quốc hội thông qua luật. Ảnh: Quốc hội
Quy định về khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đó có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỉ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp. Quy định thanh toán với trường hợp thiếu thuốc.
VietBF@ sưu tập