Một nhóm các nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hôm qua (15/6) đã đệ đơn kiện Tổng thống Barack Obama về việc đã đưa Mỹ tham gia vào chiến dịch can thiệp quân sự ở Libya mà chưa nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội.
Phát ngôn viên Nhà Trắng đang bảo vệ tính hợp pháp trong quyết định đánh Libya của Tổng thống Obama.
Nghị sĩ Đảng Dân chủ Dennis Kucinich cùng với Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Walter Jones đã dẫn đầu một nhóm nghị sĩ chống chiến tranh của cả hai đảng thách thức Tổng thống Obama tại một tòa án liên bang.
"Liên quan đến cuộc chiến ở Libya , chúng tôi tin rằng ông Obama đã vi phạm luật này. Chúng tôi đã yêu cầu tòa án phải hành động để bảo vệ nhân dân Mỹ khỏi những kết quả từ các chính sách bất hợp pháp kiểu này," ông Kucinich tuyên bố.
Nghị sĩ Đảng Dân chủ đã lên án chính quyền Tổng thống Obama về việc đã “dùng mưu để lừa Quốc hội Mỹ và dùng các tổ chức quốc tế như Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để được phép sử dụng vũ lực ở bên ngoài".
Tổng thống Obama đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ Quốc hội về việc ông này đã quyết định phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya mà chưa có sự chấp thuận của Quốc hội. Chủ tịch Hạ viện Mỹ - ông John Boehner hôm 14/6 cũng đã cảnh báo, ông chủ Nhà Trắng sẽ vi phạm luật của nước Mỹ nếu ông không thể giành được sự phê chuẩn của Quốc hội cho chiến dịch quân sự ở Libya vào cuối tuần này.
Ông Boehner đang ám chỉ đến Luật Chiến tranh năm 1973 của nước Mỹ. Luật này đòi hỏi ông Obama phải tìm kiếm được sự chấp thuận của Quốc hội trong vòng 60 ngày kể từ khi phát động một chiến dịch quân sự nào đó. Luật cũng bao gồm quy định thời gian rút quân thêm 30 ngày. Theo Chủ tịch Hạ viện Boehner, hạn 90 ngày sẽ chấm dứt vào Chủ nhật sắp tới (18/6).
Trước đó hồi đầu tháng này, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết khiển trách chính quyền của Tổng thống Obama về việc đã tự ý phát động chiến dịch đánh Libya mà không được sự cho phép của Quốc hội.
Tuy nhiên, NhàTrắng đã bác bỏ nghị quyết trên đồng thời nhấn mạnh chính quyền đã liên tục tham vấn Quốc hội và vì thế không vi phạm luật chiến tranh.
Kiệt Linh / Vnmedia
(theo THX)