Theo tờ The Guardian của Anh cho thấy, các quốc gia châu Âu thuộc khối EU cũng chiếm phần không nhỏ trong thị phần cung cấp vũ khí cho ông Gaddafi.
Thông tin cho thấy từ năm 2005 cho đến năm 2009, giá trị xuất khẩu vũ khí từ châu Âu tới Libya tăng không ngừng, từ 104,5 triệu USD năm 2005, 85,4 triệu USD năm 2005 tăng lên 157,5 triệu USD năm 2007, 363,1 triệu USD năm 2008 và đạt mức cao nhất 497,6 triệu USD năm 2009.
Tổng cộng trong 5 năm, lượng vũ khí xuất khẩu từ khối EU đến Libya đã đạt đến con số 1,21 tỷ USD, không hề nhỏ so với con số 2 tỷ USD hợp đồng vũ khí của Libya đã ký kết với Nga trong thời gian này.
Biểu đồ cho thấy giá trị xuất khẩu vũ khí từ châu Âu sang Libya giai đoạn 2005-2009 tăng không ngừng (số liệu tính bằng EUR)
Lượng vũ khí trên bao gồm các loại đạn dược, vũ khí bộ binh, các thiết bị điện tử, máy bay, các loại lựu đạn hơi cay, vũ khí giải tán đám đông.
Trong số các loại vũ khí, được tổng thống Ghadafi quan tâm hơn cả là các loại máy bay quân sự với 402,8 triệu USD giá trị nhập khẩu. Tiếp theo là các loại súng bộ binh (141,8 triệu USD), thiết bi điện tử (123,7 triệu USD), các loại vũ khí giải tán biểu tình, hơi cay (14 triệu USD) và đạn dược (8,8 triệu USD)
Trong danh sách, có tổng số 16 nước có xuất khẩu vũ khí tới Libya trong năm năm từ năm 2004 đến năm 2009 gồm Áo, Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Ba Lan, Latvia, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Đức, Italia và Malta.
Cụ thể, Italia là nước xuất khẩu nhiều vũ khí nhất sang Libya với tổng lượng vũ khí trị giá hơn 400 triệu USD, tiếp theo là Pháp với 304,2 triệu USD và Anh với 172,8 triệu USD. Ba nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất sang Libya ở trên cũng là ba nước đóng góp lực lượng quân đội nhiều nhất trong lực lượng NATO tấn công quân chính phủ Libya trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, phải kể đến đảo quốc Malta với hợp đồng vũ khí bộ binh trị giá đến hơn 115 triệu USD ký kết với Libya. Trên thực tế, Malta không phải là nước có công nghiệp quốc phòng mạnh nên bản hợp đồng này dấy lên nghi ngờ có quốc gia đứng đằng sau Malta đã sử dụng nước này làm bình phong để buôn bán vũ khí.
Có thể nói, Libya là thị trường vũ khí không nhỏ của EU, do đó việc Libya lâm vào tình trạng phức tạp như hiện nay có thể nói hoàn toàn không làm hài lòng các nước thuộc liên minh châu Âu hoặc ít nhất là họ không muốn tình trạng này kéo dài đến thế.
An Thái (theo Guardian)