(Đất Việt) “Không chỉ gây khó khăn cho việc kinh doanh buôn bán mà còn gây ùn tắc giao thông cho các tuyến phố lân cận không cấm xe…”.
Đó là ý kiến của cư dân đang sinh sống và làm việc trong phố cổ Hà Nội khi nói về đề án tuyến phố đi bộ từ Đồng Xuân - Hàng Ngang - Hàng Đào - quanh hồ Hoàn Kiếm - Tràng Tiền nhằm hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Cấm chỗ này, tắc chỗ kia
Chính quyền thành phố cứ nói cấm xe nhằm hạn chế ùn tắc đường, thế nhưng họ có nghĩ đến việc cấm phố này tắc phố khác không, mà còn tắc trầm trọng hơn vì tự nhiên mất trục đường chính, các phương tiện phải dồn lại một chỗ. Trong Q.Hoàn Kiếm, các hộ kinh doanh tuyến đường quanh hồ Hoàn Kiếm đóng góp thuế nhiều nhất, nếu cấm xe thì người vào mua hàng sẽ ít đi vì khó khăn trong khâu vận chuyển. Nếu thành phố có quy hoạch, các cửa hàng ở đây đều thuộc sở hữu Nhà nước thì làm như vậy để thu hút khách du lịch thì được, chứ là sở hữu của tư nhân mà làm như vậy là vô lý, ảnh hưởng đến miếng cơm, manh áo người dân. Thêm vào đó, người dân chưa tự giác, dù đặt biển cấm nhưng họ vẫn tìm cách đi, tự nhiên lại phải nuôi thêm lực lượng canh gác, rất lãng phí.
(Chị Nguyễn Thu Hằng, 50 tuổi, chủ cửa hàng quần áo phố Hàng Đào)
Người khác đi được thì tôi cũng… đi
Mỗi ngày chạy xe ở các tuyến đường này tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng. Nếu đề án thực hiện thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của tôi và nhiều xe ôm khác. Thế nhưng, đã là chủ trương của chính quyền thì phải chấp hành, nhưng nếu người khác cố tình chạy xe vào đó thì tôi cũng… bắt chước.
(Anh Nguyễn Đình Thi, 38 tuổi, hành nghề xe ôm)
Mất thêm tiền gửi xe
Nếu đây đã là chủ trương của chính quyền rồi thì không bàn lui được, mặc dù trên con phố này chẳng ai đồng tình cả vì dù sao đây là con phố bán buôn là chính. Mà bán buôn (sỉ) thì cần ô-tô, xe máy chở hàng. Nếu không thuận lợi trong khâu vận chuyển, khách hàng sẽ bỏ chúng tôi ngay. Mà nếu đi bộ vào thì xe chúng tôi để ở đâu, tự nhiên mất thêm tiền gửi xe ở mãi tận đâu. Ngoài ra, chủ trương này đôi khi còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các bãi giữ xe tự phát tràn lan, rồi họ nâng giá vô tội vạ...
(Chị Thuý, 42 tuổi, chủ cửa hàng quần áo phố Hàng Đào)
Nên thí điểm
Tôi cũng đã từng đi nhiều nước trên thế giới và thấy thủ đô của họ không lộn xộn như của ta, không có chuyện xe máy, ô-tô chen nhau. Tôi nghĩ TP.Hà Nội nên thí điểm cấm xe bắt đầu từ phố cổ. Điều này ngoài việc giải quyết tắc đường, còn thu hút được khách du lịch. Các nhà lãnh đạo có lẽ nhìn vào tương lai vài chục năm chứ không nhìn vào cái trước mắt. Gia đình tôi cũng kinh doanh trên phố này, đang bán buôn, nếu không có xe vận chuyển thì tôi chuyển sang bán lẻ, giống ở Quảng Châu (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) mà doanh thu chắc cũng không kém bán buôn.
(Anh Lịch, 32 tuổi, chủ cửa hàng quần áo phố Hàng Ngang)
Phải xây dựng bãi đỗ xe trước khi tổ chức đi bộ
Khi chưa có bãi để xe cố định thì Hà Nội chưa thể triển khai tuyến phố đi bộ. Hà Nội đã có một số tuyến phố đi bộ vào cuối tuần nhưng chỗ để xe không có dẫn đến tình trạng hỗn loạn giao thông và các bãi xe thu giá trên trời. Đó là những bất cập chưa thể giải quyết. Ở các nước khác, trong mỗi phố đi bộ thì ở điểm đầu và điểm cuối đều có bãi đỗ xe. Thực tế, quỹ đất để xây dựng bãi đỗ xe này của thành phố không có, chỉ còn phương án xây dựng các bãi đỗ xe ngầm xung quanh phố đi bộ, nhưng điều này không hề đơn giản.
TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội
Tiến Nguyễn