Đề cử máy ảnh xuất sắc của năm 2011
Những sản phẩm được lựa chọn có tốc độ siêu nhanh, thiết kế độc đáo và đẳng cấp. Độc giả sẽ bỏ phiếu quyết định danh hiệu Máy ảnh xuất sắc của năm nay.
Dưới đây là đề cử của
Số Hóa về danh hiệu Máy ảnh xuất sắc nhất 2011. Những đề cử này quy tụ được đầy đủ những tinh hoa nhất mà từng hãng máy ảnh đã gửi gắm, góp phần tạo nên những diện mạo mới cho nhiếp ảnh hiện đại.
Canon EOS 1D X
Canon EOS 1D X khẳng định quan điểm không chạy theo số chấm của Canon.
Là DSLR ra mắt cuối cùng của năm, Canon đã tạo một chấn động không nhỏ tương tự như thời công bố 5D Mark II với phiên bản EOS-1DX thuộc hàng "đỉnh" nhất hiện nay của mình. Để khẳng định bước đột phá của dòng này, hãng đã từ bỏ kiểu đặt tên đời I, đời II, đời III... (Mark I, II, III) của dòng 1Ds mà chuyển thẳng lên phiên bản mới 1DX.
Tiếp tục khẳng định quan điểm không chạy theo số chấm, EOS-1DX dù cảm biến full-frame nhưng độ phân giải chỉ vừa đủ dùng 18 triệu điểm. Không tiếp cận theo hướng cảm biến back-illuminated như trên các dòng CMOS gần đây của hãng cũng như các đối thủ khác, Canon cho biết cảm biến CMOS mới trên 1DX được thiết kế mỏng hơn, giúp thu hẹp khoảng cách giữa đi-ốt và bề mặt cảm quang, cộng thêm với kích cỡ điểm ảnh lớn hơn (do số điểm ảnh giảm từ 24 triệu điểm trên 1Ds Mark III xuống 18 triệu điểm) nên cảm biến mới thu nhận ánh sáng tốt hơn so với các phiên bản trước. Chính vì thế, 1DX có dải ISO khủng nhất từ trước tới nay, từ tối thiểu 50 tới tối đa 204.800 (chế độ mở rộng H2).
1DX được trang bị các công nghệ tiên tiến nhất như chíp xử lý hình ảnh kép mới nhất Dual Digic V+ (theo hãng có tốc độ nhanh gấp 17 lần chíp Digic IV hiện tại), hệ thống lấy nét tự động 61 điểm, tích hợp khe cắm mạng LAN, tốc độ chụp siêu nhanh với 12 khung hình mỗi giây khi chụp ảnh RAW và 14 khung hình mỗi giây khi chụp ảnh JPG thông thường. Ngoài ra, 1DX còn được thiết kế chú trọng cả quay phim với full HD 1080p ở các tốc độ 30, 25 và 24 khung hình/giây, khả năng điều chỉnh âm lượng microphone vào và cũng là phiên bản đầu tiên của hãng tự chia các file video thành các file nhỏ, tránh được giới hạn dung lượng 4GB, cho phép có thể quay phim thời lượng tối đa gần 30 phút (29 phút 59 giây).
Sony A77
Sony A77 được nâng cấp từ A55.
Khẳng định quyết tâm theo đuổi công nghệ gương mờ ứng dụng lần đầu trên các phiên bản Alpha A33 và A55, SLT-A77 là sự nâng cấp của cả SLT-A55 và DSLR A700 với những công nghệ tiên tiến nhất được tích hợp như quay phim full HD 60p, cảm biến CMOS APS-C độ phân giải 24 triệu điểm, ISO 50-16.000, tốc độ chụp liên tiếp tới 12 khung hình/giây và đặc biệt là kính ngắm điện tử OLED có độ phân giải lớn nhất trên thị trường (2,4 triệu điểm so với độ phân giải trung bình 1 triệu điểm của các hãng khác). Đây cũng là phiên bản có cơ chế màn lật xoay phức tạp nhất với 3 khớp nối cho mà hình quay được mọi góc (thay vì kiểu bản lề lật xoay trên các máy du lịch thông thường).
Theo các kết quả chấm điểm cảm biến của trang
DxOMark, ngoài khả năng khử nhiễu, Sony Alpha A77 dù kích cỡ APS-C nhưng có số điểm không thua kém hai mẫu máy full-frame nổi tiếng trên thị trường hiện tại là Canon 5D Mark II và Nikon D700, và tỏ ra vượt trội các máy cùng kích cỡ cảm biến là Nikon D7000 và Canon 7D.
Sony cũng đã không hoài công khi tiếp tục theo đuổi công nghệ gương mờ độc đáo của mình bằng phiên bản A77 với giải thưởng về đổi mới công nghệ vừa được Hiệp hội báo chí kỹ thuật hình ảnh (TIPA) trao tặng năm năm 2011.
Nikon V1
V1 có vỏ hợp kim ma-nhê chắc chắn.
Sau một thời gian dài theo dõi thị trường, cuối cùng Nikon cũng đã chính thức gia nhập phân khúc máy ảnh ống kính rời không gương lật bằng việc ra mắt dòng 1 mới hoàn toàn với hai đại diện đầu tiên V1 và J1.
Nikon V1 là mẫu cao cấp hơn với bộ vỏ hợp kim ma-nhê chắc chắn, kính ngắm điện tử độ phân giải 1,4 triệu điểm ảnh, bộ xử lý hình ảnh EXPEED 3 thế hệ mới nhất được hãng giới thiệu là nhanh nhất thế giới với tốc độ xử lý 600 Megapixel mỗi giây, giúp đẩy tốc độ lấy nét của phiên bản này lên hàng siêu tốc, theo hãng còn hơn cả Nikon D3x hay Canon EOS 7D.
Mặc dù cảm biến cỡ nhỏ (CX với crop factor 2.7x) nhưng chất lượng ảnh trên V1 ở các mức ISO khá tốt với quan điểm không quá đầu tư cho khử nhiễu nhưng luôn đảm bảo độ sắc nét và chi tiết trên toàn dải.
Sony NEX-7
Sony NEX-7 có nhiều tính năng tiên tiến của bản SLT-A77.
Đóng góp danh tiếng cho dòng thay ống kính không gương lật còn có thêm đại diện đến từ Sony với phiên bản NEX-7. Phiên bản này tuy gọn nhẹ như máy du lịch nhưng được đóng gói các tính năng tiên tiến nhất như trên bản gương mờ cao cấp SLT-A77, vỏ hợp kim ma-nhê, cảm biến APS-C CMOS độ phân giải 24 triệu điểm ảnh, kính ngắm điện tử EVF 2,4 triệu điểm ảnh, ISO 100-16.000, màn trập điện tử lần đầu tiên được tích hợp với độ trễ giảm từ 100ms xuống chỉ còn 20ms.
NEX-7 cũng là máy không gương lật đầu tiên hỗ trợ tới 3 vòng xoay, trong đó hai vòng xoay ở mặt trên có thể gán để điều chỉnh các chức năng khác nhau, giúp cho máy nhanh chóng thiết lập các thông số thông dụng như tốc độ, độ mở hay ISO không kém các DSLR cao cấp.
Dòng NEX cũng ngày càng trở nên sáng giá hơn khi ngoài các ống Sony, các hãng khác cũng bắt đầu hỗ trợ, trong đó phải kể đến các ống siêu nhanh như Carl Zeiss 24mm f/1.8 hay SLR Magic 23mm f/1.7.
Canon 600D
Canon 600D nhắm tới người dùng phổ thông.
Được bình chọn là máy bình dân tốt nhất 2011 của Hiệp hội TIPA đồng thời đoạt luôn giải máy ảnh DSLR của năm 2011 do Hiệp hội âm thanh hình ảnh châu Âu EISA bình chọn, EOS 600D là phiên bản DSLR được Canon nhắm tới người bắt đầu thích dùng DSLR với những tính năng tiên tiến nhưng mức giá không quá khó với. Phiên bản này được trang bị cảm biến CMOS độ phân giải 18 triệu điểm, chip xử lý ảnh DIGIC IV, hỗ trợ dải ISO từ 100- 12.800, hệ thống lấy nét tự động 9 điểm và đo sáng 63 vùng, tốc độ chụp liên tiếp 3,7 khung hình/giây và màn hình LCD 3 inch lật xoay linh hoạt.
Nikon D5100
D5100 mang cảm biến CMOS 23,6 x 15,5 mm.
D5100 là phiên bản nâng cấp của D5000 với một số cải tiến về khả năng quay video, màn hình lật xoay và cảm biến. Đây cũng là model nhắm tới người dùng phổ thông và là đối thủ trực tiếp của Canon 600D.
D5100 trang bị cảm biến CMOS kích thước 23,6 x 15,5 mm (DX format) độ phân giải 16,2 Megapixel và chip xử lý ảnh thế hệ mới Expeed 2 của Nikon. Máy hỗ trợ độ nhạy sáng ISO từ 100 đến 6.400 và tùy chọn mở rộng lên đến 25.600. Đây cũng là model đầu tiên của Nikon cho phép tạo các hiệu ứng bộ lọc hay hiệu ứng thu nhỏ mô phỏng ống kính tilt-shift trong cả khi quay video lẫn khi chụp hình ảnh. D5100 có hệ thống lấy nét tự động 11 điểm tương tự như D3100.
Máy có thể quay video chuẩn Full HD ở tốc độ 24 khung hình/giây, quay video HD ở tốc độ 30, 25 hoặc 24 khung hình/giây và có thể tự động lấy nét liên tục trong quá trình quay. Tuy nhiên, điểm mới đáng kể nhất ở model này là chế độ Night Vision, máy có thể quay video với ISO siêu cao lên tới 102.400.
Nguyễn Hà
theo sohoa