Sau một ngày đêm điều trị ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, bé trai Phạm Văn Thuận (4 tuổi), xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi, đã tử vong. Đây là trường hợp trẻ thứ hai tử vong vì căn bệnh chưa rõ nguyên nhân này.
Sáng nay, ông Nguyễn Xuân Mến, Phó giám đốc Sở y tế Quảng Ngãi xác nhận bệnh nhi Phạm Văn Thuận mắc bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân chưa rõ nguyên nhân. Bé đã tử vong vào chiều 3/1 sau khi được cấp cứu, điều trị ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh nhi nhập viện cấp cứu, điều trị hơn một ngày thì qua đời. Cháu Thuận nhập viện với các triệu chứng của bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, tay, chân lở loét, tổn thương gan nặng.
Đây là trường hợp thứ hai tử vong bởi căn bệnh tổn thương da lạ chưa rõ nguyên nhân. Năm ngoái, một em bé dưới 10 tuổi mắc bệnh và chết với chẩn đoán suy đa phủ tạng nghi nhiễm độc.
|
Bệnh nhân mắc bệnh tổn thương da lạ ở xã Ba Điền nhập viện quá đông khiến Khoa Da Liễu, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi quá tải. Ảnh: Trí Tín |
Tính đến chiều 4/1, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 98 bệnh nhân mắc bệnh lạ này, trong đó có 25 trẻ em. Riêng trong tháng 12/2011, có đến 11 trẻ em dưới 10 tuổi nhập viện với các triệu chứng bệnh này. Các vết loét không chỉ xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân mà đã lây lan sang miệng, lưng, bụng. Hầu hết trẻ mắc bệnh khi đến bệnh viện khám, điều trị đều trong tình trạng sức khỏe yếu, tay chân nổi sần và rối loạn chức năng gan
Trước tình hình diễn biến bệnh lạ phức tạp, Sở Y tế Quảng Ngãi đã chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Ba Tơ có trách nhiệm điều trị cho tất cả bệnh nhân theo hướng dẫn của Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa. Những trường hợp bệnh nặng phải chuyển ngay lên bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa để được điều trị kịp thời; đồng thời được hỗ trợ suất ăn miễn phí.
PGS.TS. Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: "Trong khi chưa xác định nguyên nhân gây bệnh, người dân không nên hoang mang. Chúng tôi đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu, xét nghiệm, tìm hiểu thêm một số yếu tố, đặc biệt là thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất khác được sử dụng tại địa phương".
Theo ông Khang, đối với những ca bệnh mới xuất hiện trở lại, ngành y tế Quảng Ngãi tiếp tục điều trị theo phác đồ mà Bệnh viện Da liễu trung ương đã đưa ra. Phác đồ điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin nhóm B, kẽm (50 mg một ngày), viên đạm kết hợp với thuốc bôi tại chỗ, thuốc bổ gan hoặc truyền dịch cho những bệnh nhân có thương tổn gan.