WESTMINSTER (NV) -Gần 150 bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ từng phục vụ trong QLVNCH vừa có cuộc hội ngộ lần đầu tiên tại The Villa Banquet Room, Westminster, hôm Chủ Nhật.
Cựu sinh viên quân y QLVNCH ôn lại kỷ niệm xưa qua những bức ảnh cũ. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, trưởng ban tổ chức, cho nhật báo Người Việt biết: “Thực ra, chúng tôi muốn tổ chức hội ngộ nhiều lần lắm, nhưng vì anh em quá bận rộn. Hơn nữa, khi còn hiện dịch, chúng tôi 'dính' trong nhiều binh chủng khác nhau. Thành ra, khi ra hải ngoại, ít nhiều anh em cũng sinh hoạt trong các hội ái hữu của các binh chủng này.”
“Tuy nhiên, cách đây hai năm, nhân dịp chúng tôi thành lập một diễn đàn quân y, được anh em ủng hộ và khuyến khích, rồi liên lạc với nhau. Thế là chúng tôi rủ nhau tổ chức buổi hội ngộ này,” Bác Sĩ Cổn nói thêm.
Ông cho biết thêm, với bước đầu rất khả quan, có nhiều người từ những nơi xa xôi và ở những quốc gia khác về tham dự, ban tổ chức hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức hội ngộ, ít nhất hai năm một lần.
Tờ chương trình được phóng lớn cạnh “mannequin” một sĩ quan quân y trong lễ phục rất đẹp, ngay lối vào nhà hàng. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Bước vào nhà hàng, mọi người đều nhìn thấy một tờ chương trình được phóng lớn, để cạnh “mannequin” một sĩ quan quân y trong lễ phục rất đẹp và hai tủ kiếng trưng bày những cái nón và huy hiệu các binh chủng QLVNCH có quân y phục vụ.
Bên trong nhà hàng, phía bên trái, là những lá cờ các binh chủng QLVNCH, bên phải là triển lãm những hình ảnh của lực lượng quân y, bao gồm hình ảnh ở mặt trận, ở trường Ðại Học Y Khoa Sài Gòn, lễ mãn khóa, khi các sĩ quan này còn là sinh viên y khoa.
Nhiều người lặng lẽ nhìn những tấm hình gợi nhớ một thời phục vụ và chiến đấu của họ, trong cuộc chiến cách đây gần 40 năm. Một số khác chỉ vào những tấm hình, ôn lại kỷ niệm cũ với đồng đội.
Sau nghi thức chào quốc quân kỳ, một số diễn giả, là những giáo sư, niên trưởng, lên kể lại kỷ niệm thầy trò và chia sẻ những câu chuyện ngày xưa.
Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, trưởng ban tổ chức Hội Ngộ Quân Y Hiện Dịch QLVNCH. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Một diễn giả được nhiều người chú ý nhất. Ðó là cựu phóng viên chiến trường người Tây Ðức, ông Uwe Siemon-Netto, từng có mặt tại Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1970.
Ông cho biết “rất hân hạnh được mời đến nói chuyện, gần nửa thế kỷ sau lần đầu tiên đến Việt Nam với tư cách phóng viên chiến trường Tây Ðức.”
Ông kể lại những kỷ niệm ở Việt Nam, về cuộc chiến Việt Nam, về cuộc chiến hiện nay ở Afghanistan, về suy nghĩ của ông, và nói “tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có trách vụ là những nhân chứng của lịch sử.”
“Chúng ta có hy vọng, hy vọng cho Việt Nam, hy vọng cho Afghanistan, hy vọng cho nhân loại,” ông Siemon-Netto nói. “Chúng ta không biết rõ tương lai, nhưng chúng ta kêu gọi sự đóng góp của mọi người cho một tương lai tươi sáng hơn.”
Theo sách “Quân Y Quân Lực VNCH” do Bác Sĩ Trần Xuân Dũng thực hiện và phát hành năm 2000, trường Quân Y Trung Ương được thành lập năm 1951 tại bệnh viện Bác Sĩ Patterson ở phố Hàng Chuối, Hà Nội, do Y Sĩ Trung Tá Phạm Biểu Tâm làm giám đốc.
Khóa 1 chỉ có 54 sinh viên, đa số là tình nguyện thẳng từ các trường y dược và một số tuyển lại từ các sinh viên y dược đã bị gọi động viên tại các trường quân sự Nam Ðịnh và Thủ Ðức.
Một năm sau, trường tổ chương trình nội trú cho sinh viên.
Năm 1956, trưởng giải tán và sát nhập vào Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y, ở Quân Y Viện Chi Lăng.
Năm 1957, trung tâm dọn về trụ sở mới ở số 4 đại lộ Hùng Vương, Chợ Lớn.
Năm 1961, trường lấy lại tên Trường Quân Y.
Giám đốc cuối cùng của trường là Y Sĩ Ðại Tá Hoàng Cơ Lân, từ năm 1973 đến năm 1975.
Tổng cộng, từ năm 1953 đến năm 1975, trường có 13 vị giám đốc hay chỉ huy trưởng.
Mọi chi tiết liên quan đến cựu sinh viên quân y QLVNCH, xin vào trang web
www.svqy.org.
Ðỗ Dzũng/Người Việt