Ngày càng có nhiều sao Việt muốn "đốt mắt" công chúng bằng cách xuất hiện với những món đồ tiền tỉ như xe hơi siêu sang, đồng hồ vàng, phụ kiện thời trang hàng hiệu... Căn bệnh "sính" hàng ngoại dường như có sức lan tỏa ghê gớm với một bộ phận nghệ sĩ.
Từ những ngôi sao gạo cội đã có chút tiếng tăm đến lớp nghệ sĩ "măng non" mới chân ướt chân ráo vào nghề, ai ai cũng đua nhau khoe đẳng cấp với những món đồ đắt tiền.
Cách đây không lâu, sự kiện Lý Nhã Kỳ diện chiếc váy 4 tỷ trong một buổi lễ từ thiện đã làm cho tất cả quan khách một phen choáng váng về độ chơi trội của người đẹp. Theo tiết lộ của cô, đây là một trong hai mẫu trang phục "độc" của nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Alexander McQueen, cô may mắn đấu giá được trước khi ông qua đời.
Bộ cánh tiền tỷ của Lý Nhã Kỳ bị dư luận cho là biểu hiện đặc trưng của bệnh khoe của.
Không kém cạnh Đại sứ du lịch, trong sự kiện ra mắt một sản phẩm xe gần đây, chiếc đồng hồ hình rắn, xoắn bảy vòng bằng vàng khối với mặt đồng hồ đính kim cương trị giá gần 4 tỷ của Thủy Tiên dường như đã "áp đảo" cả những chiếc xe. Mọi sự chú ý đổ dồn về chiếc đồng hồ cao cấp BVLGARI. Đây là một trong 15 chiếc đồng hồ hiếm hoi trên toàn thế giới được chàng cầu thủ điển trai Công Vinh kỳ công đặt mua dành tặng riêng cho Thủy Tiên.
Chiếc đồng hồ hình rắn quấn 7 vòng quanh tay, mặt đồng hồ đính toàn kim cương lấp lánh, Thủy Tiên chia sẻ có giá trị 4 tỷ.
Ngay sau khi thông tin này rộ lên trên các mặt báo, chàng cầu thủ xứ Nghệ đã được nhiều người gán cho biệt danh "trọc phú". Theo một số người, trong khi Công Vinh đang thong dong trên chiếc xe tiền tỷ cùng người yêu thì người thân trong gia đình anh, đồng bào quê hương anh vẫn đang vật lộn với bao khó khăn.
Phóng viên Người đưa tin còn nhớ mãi câu chuyện, trong một lần đi họp báo có may mắn được gặp nữ ca sĩ xinh xắn có tên V.O. Vì là lần đầu tiên nghe đến cái tên này nên phóng viên đã đem thắc mắc hỏi những người xung quanh. Một đồng nghiệp tiết lộ: "Đây là cô ca sĩ nổi tiếng với việc sở hữu chiếc xe gần chục tỷ". Có lẽ đó cũng là cái thông tin đáng giá nhất mà người đồng nghiệp của tôi biết được khi nhắc đến cô ca sĩ V.O. Thế mới biết, hiện có không ít sao nổi tiếng nhưng không phải vì tài năng, sự đóng góp cho xã hội mà chỉ đơn giản là sự "xài" sang, giàu có.
Thú chơi của những kẻ "trọc phú"
Nghệ sỹ Phạm Dũng (học sĩ Xoày Trọng Chấm) cho rằng: “Ai cũng có ý thích của họ. Mỗi món đồ đều có giá trị riêng, khi chủ nhân đã bỏ tiền ra mua, thường họ rất hiểu về chúng. Tuy nhiên, nếu "khoe mẽ" để chứng tỏ giàu có và vì một mục đích PR nào đó thì thật không hay. Vì đẳng cấp không thể hiện qua món đồ có giá trị bao nhiêu. Tôi nghĩ, các sao Việt khoe của là để "đọ" với các sao khác, đánh bóng tên tuổi. Ngay cả giới chơi đồ cổ, có người cũng chẳng hiểu được giá trị của món đồ nhưng vẫn tìm mọi cách để sở hữu cho thiên hạ biết. Đấy chỉ là thú chơi của những kẻ "trọc phú". Người có hiểu biết thì khác, họ bỏ tiền ra, ít nhất cũng phải nhận được chút gì về kiến thức. Khi "chơi" đồ mà không biết ý nghĩa của món đồ đó, chẳng phải ho đã tự "làm quê" mình. Nước mình chưa giàu mạnh, dân còn khó khăn. Vì thế, việc khoe để chứng tỏ của các sao đang thể hiện sự nhận thức kém".
Báo mạng đang tiếp tay cho mốt khoe của
Một vị giám đốc công ty may mặc thường tham gia các hoạt động từ thiện ở miền núi cho rằng: "Nhiều báo, nhất là các báo mạng, tạp chí... thường xuyên chụp hình, đăng tin về cácsao với đồ hàng hiệu, xe hơi đắt tiền nhằm "câu" độc giả . Nếu không ai đưa tin, không ai bình luận thì lẽ các sao cũng không nhiệt tình khoe như hiện nay. Nhiều người hay lấy người nghèo, người thu nhập thấp ra làm ví dụ và đặt câu hỏi: Sao những người nổi tiếng không giúp đỡ họ?. Tôi nghĩ làm thế là các bạn đang xúc phạm người nghèo. Vì họ tuy có khó khăn nhưng họ có sự tự trọng,ồ không đi "xin" của ai. Chúng ta phải tôn trọng người có hoàn cảnh khó khăn, kể cả khi giúp đỡ họ".
Nhớ đến tài năng thì ít, biết đến hàng hiệu thì nhiều
Chị Phạm Thị Khuyên, nhân viên kế toán tại Hà Nội cho rằng: “Người nổi tiếng, đặc biệt là các ca sỹ hãy để cho công chúng nhớ đến họ bằng tài năng, phẩm chất và kiến thức rộng chứ không phải là nhớ đến họ qua cái túi, chiếc đồng hồ hay chiếc xe tiền tỷ. Như NSND Thu Hiền, dù khoảng cách thế hệ khá xa so với lớp ca sĩ trẻ nhưng giọng hát tình cảm, ấm áp truyền cảm luôn được nhiều người yêu mến và khắc ghi. Đặc biệt, tôi thấy các nghệ sĩ nổi tiếng dùng hàng xa xỉ còn thể hiện trách nhiệm công dân thấp. Hàng xa xỉ càng được nhập về Việt Nam nhiều càng làm cho con số nhập siêu tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước".
Dành 1/10 hàng hiệu làm từ thiện thì tôi mới phục
Chia sẻ với Người đưa tin, diễn viên hài Vượng râu cho biết: "Làm việc đến mức giàu, có của để khoe là tốt. Tuy nhiên, bên cạnh chúng ta còn rất nhiều người, nhiều gia đình phải phải chạy ăn từng bữa. Biết bao trẻ em không có sách để học, không biết đến bữa cơm có miếng thịt, miếng cá. Người ta làm ra tiền, tiêu tiền vào những đồ xa xỉ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như vậy quả không phù hợp. Người Việt Nam chúng ta vẫn có truyền thống "lá lành đùm lá rách", thay vì khoe của. Nếu những người nổi tiếng dùng 1/10 trị giá hàng hiệu để giúp cho người nghèo có lẽ xã hội đã nhìn nhận khác về họ. ở các nước phương Tây, họ thường thực tế hơn. Những người nổi tiếng, giàu có thực sựồ, họồ ít khoe của như ở Việt Nam. ở trong nước, những đại gia thực sự, khối lượng tài sản lên đến hàng nghìn tỷ nhưng chẳng bao giờ thấy họ khoe đồng hồ xịn, ô tô xịn hay váy xịn bao giờ."
Đẳng cấp không thể hiện ở món đồ
Một nghệ sĩ xin được giấu tên cho rằng: "Xài đồ sang, đắt giá thật ra không có gì xấu. Người ta có điều kiện thì xài. Các sao Việt khoe của cũng là quyền tự do cá nhânồ. Họ cóỏ quyền được hưởng thụ miễn đó là đồng tiền chính đáng. Nhưng chi nhiều tiền để "nghiện" những món đồ xa xỉ ấy, theo tôi là hơi phí. Nghệ sĩ nên để công chúng chú ý đến tài năng và cách sống thì mới có giá trị. Còn những vật chất bề ngoài, nếu có "làm sang" cho người sử dụng, cũng chỉ là nhất thời mà thôi".
Quan trọng là văn hóa sử dụng đồ đắt tiền
Siêu mẫu Hà Anh từng chia sẻ: "Việc sắm những món đồ đắt tiền không quan trọng bằng văn hóa sử dụng chúng. Với tôi, đó cũng chỉ là những món đồ cá nhân, nếu cần thì mua chứ không nhất thiết phải phô trương. Điều này tùy vào suy nghĩ và văn hóa tiêu tiền của mỗi người. Đã là người của công chúng thì việc "khoe" những món vật chất ấy là không phù hợp. Những món đồ đắt tiền không thể khỏa lấp tài năng, đạo đức và giá trị sống của chủ nhân của nó, cũng không thể lấy làm đẳng cấp so với người khác".
Thơm - Lan - nguoiduatin