- 6 tàu thuyền đánh bắt cá của Philippine đã kéo đến bãi cạn Scarborough để “cân xứng” với lực lượng tàu thuyền của Trung Quốc đang có mặt tại khu vực trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang sôi lên sùng sục.
Theo Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Bắc Luzon (Philippines) – Trung tướng Anthony Alcantara hôm qua (29/4) cho biết, 6 tàu thuyền đánh cá của nước này đã có mặt ở bãi cạn Scarborough – nơi cũng đang có mặt 6 tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc từ hồi tuần trước.
“Có 6 tàu thuyền đánh bắt cá của Trung Quốc ở khu vực bãi cạn. 6 tàu chuyền đánh bắt cá của chúng tôi cũng đang có mặt tại đây”, Trung tướng Alcantara cho biết.
Ngoài ra, ở khu vực bãi cạn Scarborough còn có tàu tuần duyên BRP Pampanga của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippine và một tàu của Cục Ngư nghiệp và Các nguồn lực dưới nước Philippine (BFAR).
Về phía Trung Quốc, ngoài các tàu thuyền đánh cá, nước này cũng phái hai tàu hải giám đến bãi cạn Scarborough.
Với việc triển khai số tàu thuyền cân xứng với nhau, có vẻ như lực lượng hai bên đang ở trạng thái “gầm ghè” lẫn nhau tại khu vực tranh chấp.
Trung tướng Alcantara cho biết, hiện tại chưa có thông tin gì về các vụ tranh chấp hay “những động thái bất thường” mới giữa tàu thuyền Philippine và Trung Quốc. Theo ông này, các ngư dân Philippine đang được Lực lượng Bảo vệ Bờ biển bảo vệ.
Ông Alcantara cho biết, Philippine không khuyên các ngư dân địa phương tránh khu vực bãi cạn Scarborough. “Chúng tôi không cấm họ đánh bắt cá. Đây là khu vực đánh bắt cá tự nhiên của chúng tôi. Chúng tôi đã từng đánh bắt cá ở đó. Nó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”.
“Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của các ngư dân trong khu vực”, Trung tướng Alcantara nhấn mạnh đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng các ngư dân Philippine sợ đến bãi cạn Scarborough vì những cuộc tranh chấp với Trung Quốc.
Gầm ghè nhưng không xung đột
Rõ ràng, tàu thuyền Trung Quốc và Philippine ở bãi cạn Scarborough đang gầm ghè nhau nhưng rất ít có khả năng xảy ra các cuộc xung đột. Mục tiêu của hai bên chỉ là để dọa dẫm, thể hiện sự cứng rắn, quyết liệt của mình trong cuộc tranh chấp hiện nay.
Theo Trung tướng Alcantara, tàu thuyền đánh bắt cá của Trung Quốc nhất quyết bám trụ khu vực bãi cạn tranh chấp. “Dường như tàu thuyền đánh cá Trung Quốc đã thả neo ở đó. Khi lần cuối cùng chúng tôi có cuộc đối thoại, họ có 5 tàu thuyền ở đó. Giờ con số này là 6”, ông Alcantara cho biết.
Tuy nhiên, quân đội Philippine không thể cho biết họ có ý định xử lý việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của tàu thuyền đánh cá nước này tại bãi cạn Scarborough như thế nào.
“Hiện tại, tôi không thể trả lời câu hỏi đó. Tôi chắc là sẽ có chỉ đạo cụ thể và trực tiếp cho các đơn vị của chúng tôi, đặc biệt là Lực lượng Bảo vệ Bờ biển”, ông Alcantara cho biết.
Trong lúc này, Tổng thống Philippine Aquino bày tỏ tin tưởng, Trung Quốc sẽ không gây ra một cuộc xung đột quân sự liên quan đến những tranh chấp ở Biển Đông. “Chúng tôi không nghĩ vào thời điểm này họ sẽ có bất kỳ hành động quân sự nào. Và chúng tôi đang cố làm dịu tình hình”, ông Aquino cho hay.
Ông Aquino cũng bác bỏ mối đe dọa Trung Quốc, nói rằng việc các quan chức Trung Quốc đưa ra những lời đao to búa lớn chỉ là “vấn đề phong cách”.
“Một trong những quan chức Trung Quốc được cho là đã phát biểu ông ta sẵn sàng nghe tiếng súng đại bác, đại loại là như thế. Nếu các bạn đọc dòng tít này trên báo People’s Daily thì nghe như có vẻ tình hình đang rất báo động. Họ thường làm như vậy. Nhưng rõ ràng, họ biết, chẳng ai có lợi và sẽ có nhiều hệ lụy nếu bất kỳ bên nào dùng đến biện pháp quân sự ở đây. Vì thế, chúng tôi nghĩ đó đơn thuẩn vẫn chỉ là những lời tuyên bố”, Tổng thống Aquino khẳng định.
Ông Aquino còn nói thêm, những phát biểu của giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc không phản ánh ý định thực sự của họ.
Sóng giờ Biển Đông bắt đầu nổi lên hôm 8/4 khi một máy bay do thám của Hải quân Philippine phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc. Tiếp theo vụ va chạm này là một loạt những diễn biến căng thẳng sau đó và kéo dài đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Mới đây nhất, hôm 28/4, Manila cáo buộc Bắc Kinh đã dùng chiến thuật “dọa dẫm” với nước này sau khi một tàu cao tốc của Trung Quốc bất ngờ tiếp cận một cách nguy hiểm với hai tàu của Philippine ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trong vụ đụng độ này, tàu Trung Quốc đã tăng tốc vượt qua hai tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippine ở tốc độ 37km/giờ, tạo ra những cơn sóng lớn làm rung lắc mạnh tàu thuyền của Philippine.
Manila tuyên bố, họ đã ghi chép lại toàn bộ “những hành động” của Trung Quốc ở vùng tranh chấp để chứng minh sự “dọa dẫm” của nước này đối với họ.
Kiệt Linh - (theo The Philippine Star)