Hồi đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, khi lạm phát xuống mức 8-9%, lãi suất huy động sẽ ở mức khoảng 10-11% và lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 5/2012 chỉ tăng ở mức thấp 0,18% so với tháng trước. Dù lạm phát theo tháng đã “nhỉnh” hơn tháng 4, nhưng so với cùng tháng của nhiều năm về trước, tháng này đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2004. Đáng lưu ý hơn là chỉ tiêu so với cùng kỳ đã thấp xuống rất nhanh, từ mức 10,54% của tháng trước về 8,34% tại tháng này, chốt lại lần đầu tiên sau một năm rưỡi, lạm phát so với cùng kỳ đạt một con số.
“Các giải pháp tài khoá thắt chặt, tiền tệ chặt chẽ; tăng cường quản lý chi tiêu công; công tác quản lý giá cả, thị trường được tập trung chỉ đạo đã góp phần kiềm chế lạm phát”, Chính phủ nhìn nhận như vậy trong một báo cáo trình Quốc hội cách đây ít hôm.
Biểu hiện trong thời gian gần đây là lạm phát được kiềm chế. Tốc độ tăng CPI theo tháng đã thấp dần từ giữa năm 2011 và chỉ tăng rất khẽ trong những tháng gần đây. Đã 3 tháng này, mức tăng CPI không vượt quá 0,2%/tháng. Đây là diễn biến tương tự giai đoạn 2001-2006.
Về phía phản ứng thị trường, điểm nổi bật trong thời gian gần đây là sức mua giảm sút, kéo theo tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhiều DN.
Tổng mức bán lẻ kể từ đầu năm đến nay tăng thấp hơn các năm trước. Trong giai đoạn này, giá cả các mặt hàng phần lớn ổn định nhưng giá xăng dầu, giá ga, than đồng loạt tăng đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Từ đó tác động vào sức mua.
Nhưng cũng trong giai đoạn điều chỉnh này, thị trường tiền tệ “rộng cửa” để xử lý các vấn đề thanh khoản và hạ lãi suất, một kịch bản đúng như đã dự kiến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô…
Kết quả là mặt bằng lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán được cải thiện. Lòng tin vào tiền đồng khiến tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” đã được kiềm chế.
Thanh khoản của nhiều ngân hàng đã cải thiện đáng kể, thể hiện qua diễn biến thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây đã bớt căng thẳng, lãi suất giảm mạnh.
Trái phiếu Chính phủ đã phát hành thành công 30 nghìn tỷ đồng, tín phiếu NHNN là 45 nghìn tỷ đồng và tiền gửi của các TCTD tại NHNN đạt 60 nghìn tỷ đồng, cao hơn tiền gửi dự trữ bắt buộc 15-20 nghìn tỷ đồng.
Từ nền tảng lạm phát thấp và thanh khoản cải thiện, trần lãi suất tiền gửi đã được điều chỉnh giảm từ 14% xuống còn 12%; lãi suất vay tín dụng đã giảm so với đầu năm, xu thế này đang được chỉ đạo đẩy nhanh và linh hoạt theo biến động của thị trường và diễn biến của lạm phát.
Chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động… đã được thực thi, qua đó góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện niềm tin của thị trường.
Trong khi đó, một kịch bản khả quan hơn với lạm phát và lãi suất vẫn còn ở phía trước. Kỳ vọng cho xu hướng này đang nằm ở nhóm hàng lương thực. Kể từ đầu năm đến nay, CPI nhóm này liên tục giảm, tác động tích cực nhất đến tình hình lạm phát.
Do hiệu ứng tăng cao của năm trước, CPI so với cùng kỳ sẽ còn ít nhất khoảng 2 tháng nữa để lạm phát so với cùng kỳ tiếp tục thấp xuống.
Hồi đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, khi lạm phát xuống mức 8-9%, lãi suất huy động sẽ ở mức khoảng 10-11% và lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng.
Cùng với diễn biến mới về lạm phát, dư địa để hạ lãi suất đã lớn hơn. Nếu so với trần lãi suất huy động 12%, lãi suất đang thực dương hơn 3,5%. Cơ sở để giảm tiếp lãi suất đang hiện hữu.
Theo Vũ Anh Quân
cafeF