Lãi suất ưu đãi 15% vẫn như con cá gỗ, ngân hàng trưng ra nhưng doanh nghiệp thì chỉ biết ngồi nhìn mà không ăn được.
"Công ty tôi may mắn vay được vốn ngân hàng với lãi suất 15%/năm. Nhưng không phải nhờ dự án có tính khả thi mà vì món vay nhỏ và đặc biệt là có tài sản thế chấp", bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dệt Mùa Đông (trụ sở tại Hà Nội), cho biết.
Có vẻ như điều kiện tài sản thế chấp đang đánh đố doanh nghiệp vào lúc này, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã dùng tài sản thế chấp vay vốn từ trước. Vì thế, kể từ lúc các ngân hàng công bố cho vay 4 nhóm doanh nghiệp ưu tiên với lãi suất 15%/năm đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó vay được vốn. Theo ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ của PG Bank, chỉ trừ một số khoản vay, còn hầu hết ngân hàng đều yêu cầu khách hàng có tài sản đảm bảo.
Một số ngân hàng thậm chí còn đưa ra những điều kiện mà doanh nghiệp phải thốt lên rằng ngân hàng đang treo cá gỗ, họ chỉ có thể ngồi nhìn. Ngay trong ngày đầu tiên triển khai cho vay với trần lãi suất 15%/năm, Maritime Bank đã đưa ra điều kiện đối với doanh nghiệp thuộc 4 nhóm ưu tiên là lành mạnh, minh bạch. Sự lành mạnh và minh bạch này được cụ thể hóa bằng những điều kiện khắt khe như doanh nghiệp trong 12 tháng vừa qua không có nợ xấu; có báo cáo kiểm toán; được hệ thống đánh giá thương hiệu nội bộ của Ngân hàng xếp hạng A, AA, AAA. Và cũng vì những tiêu chí khắt khe đó mà ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng Giám đốc của Maritime Bank, dự báo chỉ có khoảng… 8-10% số khách hàng doanh nghiệp đáp ứng được.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện Trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong điều kiện nền kinh tế hoạt động bình thường, các ngân hàng đã đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, nên lúc này khó trách được ngân hàng siết chặt hơn điều kiện này. Tình hình ở nhiều nước cũng tương tự. Tuy nhiên, tài sản thế chấp hoặc điều kiện vay vốn ở những nước này cũng đa dạng hơn, chứ không chỉ yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.
Tài sản thế chấp không phải là nút thắt duy nhất của tình trạng ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thì không vay được. Theo ông Hưng, PG Bank, sức khỏe của doanh nghiệp đang quá yếu, nên có vay cũng không hấp thụ được. Ngoài ra, ngân hàng lo ngại doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích.
Đánh giá về sự thận trọng này, Tiến sĩ Lê Hồng Nhật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng trước đây có một lượng vốn vay khá lớn của ngân hàng được đổ vào bất động sản, nợ xấu ở mức rủi ro cao, nên nay các ngân hàng ngần ngại. Nếu mạnh tay cho vay, doanh nghiệp sử dụng vốn đó vào mục đích khác thì ngân hàng trở tay không kịp. Ông Cung, CIEM, lại nêu ra một lý do khác. Đó là có thể các ngân hàng đang phải huy động vốn với lãi suất thực lớn hơn 12%/năm, nên không dễ dàng cho vay với lãi suất 15%/năm.
Nhưng dù vì lý do gì, câu hỏi mà nhiều người muốn biết câu trả lời là nếu tình trạng thừa vốn kéo dài, ngân hàng sẽ đi đến đâu. Theo ông Cung, nếu không cho vay được, các ngân hàng có thể mua trái phiếu chính phủ. Dù lãi suất thấp hơn so với lãi suất huy động hiện nay, nhưng đây là hình thức đầu tư dài hạn. Các ngân hàng kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống nữa, lúc đó họ vẫn sẽ có lãi từ đầu tư trái phiếu.
Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ thường có kỳ hạn dài, trong khi các ngân hàng thương mại chỉ thừa tiền trong ngắn hạn. Mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là một kênh bỏ vốn khả thi hơn trong lúc này để tránh rủi ro. Theo tính toán của SSI Research, từ 15.3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tổng cộng 101.772 tỉ đồng tín phiếu, trong đó còn 71.276 tỉ đồng tín phiếu chưa đáo hạn. Lãi suất tín phiếu cao nhất cũng chỉ 8%/năm nhưng đều được các ngân hàng thương mại tiêu thụ hết. Câu hỏi đặt ra là khi hơn 71.000 tỉ đồng tín phiếu nói trên đáo hạn, tiền lại quay về các ngân hàng thì họ sẽ xử lý thế nào.
Kênh thoát vốn khả dĩ khác, nhiều rủi ro hơn mua tín phiếu nhưng có lẽ an toàn hơn so với cho vay doanh nghiệp, chính là cho vay liên ngân hàng. Tuy nhiên, ngay trên thị trường này cũng đang có dấu hiệu thừa tiền khi lãi suất qua đêm ngày 23.5 chỉ còn 1,7-2%/năm. So với mức lãi suất hơn 30%/năm trên thị trường liên ngân hàng hồi đầu tháng 11.2011, có thể thấy các ngân hàng đang thừa tiền đến mức nào.
Vì vậy, ông Hưng, PG Bank, cho rằng xu hướng tất yếu là nếu không cho vay được thì ngân hàng không thể huy động nhiều. Lúc đó, thị trường sẽ tự điều chỉnh, lãi suất huy động giảm xuống, lãi suất cho vay cũng giảm theo.
Theo Nhịp cầu đầu tư