Câu 2 đề Văn thi tốt nghiệp THPT năm nay yêu cầu viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Đề thi này được nhiều bạn đọc quan tâm.
Tòa soạn vừa nhận được ý kiến của bạn đọc Dương Minh Triết. Xin giới thiệu với bạn đọc và mong nhận được ý kiến chia sẻ khác của bạn.
|
Một trong những tài liệu siêu nhỏ sót lại trước Trường THPT Lê Quý Đôn, Buôn Ma Thuột - Ảnh: TR.TÂN |
Đọc đề thi Văn năm nay, thấy các bạn trẻ hớn hở vì nắm chắc điểm cao, tôi cũng vui với các bạn trẻ, nhưng tôi buồn. Buồn vì chính nội dung đề thi đó, khi cả đến nhà trường bây giờ cũng phải cảnh báo về thói dối trá và dạy cho các em rằng "thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội".
Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ: Sáng nay, đang ngồi cà phê sáng, bỗng gặp một người quen cũ lâu ngày không gặp. Hỏi anh bây giờ làm ở đâu, anh nói anh trước đây là phó tổng giám đốc kinh doanh của ngân hàng A, nay mới chuyển sang làm phó tổng giám đốc kinh doanh của ngân hàng C (nước ngoài). Tôi thán phục anh.
Nhưng tôi thật thất vọng khi nói với anh rằng tôi có quen ông tổng giám đốc và cô phụ trách quan hệ công chúng của ngân hàng C đó, anh nói anh chưa biết chỉ vì anh mới vào làm được vài tháng. Làm vài tháng với một vị trí như anh nói mà không biết ông tổng giám đốc và cô phụ trách PR thì quả là chỉ có anh "nổ" - nói toạt ra là anh đã nói dối tôi. Tôi không hỏi gì thêm nữa.
Chuyện này không lạ. Thói dối trá tôi vẫn gặp hàng ngày.
Buổi trưa, tôi biết có nhiều phụ nữ hoặc đàn ông đi vào nhà nghỉ, khách sạn, tiệm mátxa để "nghỉ ngơi" trong khi nói dối với vợ hoặc chồng mình là đi làm, giao dịch khách hàng.
Đón con đi học về, tôi mở vở của con đang học mẫu giáo ra, toàn điểm 9 và điểm 10. Hỏi ra mới biết, con tôi làm toán sai, nhưng cô giáo bày lại, sửa lại và chấm đúng để con tôi được vui và quan trọng là phụ huynh như tôi được vui.
Vợ tôi cũng là giáo viên, cô ấy kể cuối mỗi học kỳ đều nâng điểm cho học sinh yếu lên mức trung bình theo yêu cầu của tổ trưởng, của hiệu trưởng để lấy chỉ tiêu thi đua với các tổ khác, với các trường khác.
Vô số những chuyện như vậy, tôi không thể kể hết.
Từ bao giờ thói dối trá đã hiển hiện trong xã hội chúng ta như một cái bệnh? Và xem ra căn bệnh này ngày một phổ biến, trầm kha.
Khi trong một xã hội mà mỗi người nói dối không biết ngượng, làm điều dối trá như một việc bình thường, thì rõ ràng xã hội đó đáng báo động về sự suy thoái đạo đức dù có khoác lên mình bao nhiêu phù hoa.
Chúng ta có dạy cho con em chúng ta môn học giáo dục công dân từ bậc tiểu học. Chúng ta có đầy đủ những luật, những thiết chế xã hội và vô số những hoạt động từ gia đình, nhà trường đến xã hội để nâng niu giá trị thật, bài bác sự dối trá. Nhưng như thế chưa đủ. Trẻ em và những thế hệ đi sau luôn nhìn lớp đi trước. Nếu người lớn vẫn nói dối không ngượng miệng mà không hề bị phê phán, một số quan chức làm dối nói dối mà vẫn ung dung tự tại thì đừng trách lớp trẻ sao không nói thật, làm thật.
Tôi vẫn thấy chúng ta tiên tục phát động những phong trào như không khói thuốc, không ma túy, không đủ thứ không. Nhưng tất cả những cái đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu cái cơ bản là tính trung thực không được xác lập, đề cao.
Vậy tại sao không phát động phong trào một xã hội không dối trá?
DƯƠNG MINH TRIẾT Dương Minh Triết