(TNO) Hố thiên thạch có niên đại cổ nhất Trái đất đã được tìm thấy tại đảo Greenland (bắc Đại Tây Dương), với đường kính rộng hơn 100 km.
Các chuyên gia cho rằng nó đã được hình thành cách đây 3 tỉ năm và hung thủ là một tiểu hành tinh rộng đến 30 km gây nên.
Nếu sự kiện trên xảy ra vào thời điểm hiện tại, toàn bộ sự sống bậc cao trên bề mặt địa cầu đều bị quét sạch.
Miệng hố rộng đến nỗi, nếu được dựng đứng, nó sẽ chạm đến rìa không gian phân cách giữa Trái đất với vũ trụ còn lại.
Hố thiên thạch này được phát hiện nhờ vào kết quả phân tích của nhà khoa học Adam Garde (hiện công tác tại Viện Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland) sau khi ông phát hiện có một lượng lớn nickel và platinum ở khu vực miền Tây Greenland.
Trái đất chịu không ít đợt tấn công từ các tiểu hành tinh trong thời gian đầu hình thành - Ảnh: GEUS |
Kết quả nghiên cứu sau đó của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Cardiff (Anh) cũng đã xác nhận giả thuyết hố thiên thạch của chuyên gia Đan Mạch, theo báo cáo trên chuyên san
Earth and Planetary Science Letters.
Cách đây khoảng 3 tỉ năm, vụ va chạm của tiểu hành tinh có bề ngang 30 km đã khoét sâu xuống 25 km so với bề mặt ban đầu, và cái hố đã được phủ lên lớp băng dày sau nhiều năm.
Tính đến nay đã có khoảng 180 hố thiên thạch được phát hiện trên bề mặt Trái đất, và gần 1/3 hố chứa vô số trầm tích khoáng chất như kim loại quý.
Trước đó, hố thiên thạch lâu đời nhất được phát hiện nằm ở Nam Phi, khoảng 2 tỉ năm tuổi và có bề ngang 300 km.
Hạo Nhiên
Thanhnien