- Trong cuộc diễn tập lần này, Mỹ lôi kéo nhiều đồng minh hơn tham diễn, phô diễn sức mạnh, ngăn chặn sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc.
Ngày 30/6, trang mạng chinareviewnews.com có bài bình luận cho rằng, ngày 29/6, cuộc diễn tập quân sự liên hợp Vành đai Thái Bình Dương lần thứ 23 do Mỹ chủ đạo đã bắt đầu, đây là cuộc diễn tập quân sự trên biển quy mô lớn nhất thế giới, có tới 22 nước tham gia.
Tàu sân bay Nimitz của Hải quân Mỹ sẽ là tàu chỉ huy của cuộc diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2012".
Điều đáng chú ý là, Nga đã lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận này, trong khi Trung Quốc đứng ngoài. Vậy thì Mỹ có dụng ý gì?- báo chí Trung Quốc đặt câu hỏi nghi ngờ!
Bài báo cho rằng, Mỹ thông qua cuộc diễn tập này, không mời Trung Quốc, nhằm mượn thời cơ để thể hiện sức mạnh quân sự, lôi kéo đồng minh quân sự, ngăn chặn sự trỗi dậy về quân sự của nước khác.
Thể hiện sức mạnh
Cuộc diễn tập quân sự liên hợp Vành đai Thái Bình Dương bắt đầu từ năm 1971 trở đi, về cơ bản, mỗi năm một lần được tổ chức ở vùng biển Hawaii. Cuộc diễn tập này do Mỹ chủ đạo, ban đầu mỗi năm tổ chức một lần, chủ yếu là nhằm vào Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, cuộc diễn tập được tổ chức hai năm một lần, đến nay đã tổ chức được 22 lần.
Trang mạng chính thức của Hải quân Mỹ cho biết, cuộc diễn tập quân sự lần này được tiến hành từ ngày 29/6 đến ngày 3/8, diễn ra trong thời gian 5 tuần. Trang mạng này lần đầu tiên giới thiệu quy mô của cuộc diễn tập, 42 tàu chiến, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 quân, tàu sân bay Nimitz và tàu tấn công đổ bộ USS Essex của Hải quân Mỹ sẽ lần lượt xuất hiện để thể hiện sức mạnh.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ.
Trang mạng này còn cho biết, 8 nước gồm Nga, Ấn Độ, Mexico, Philippines, New Zealand, Na Uy, Anh và Tonga lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập quân sự liên hợp Vành đai Thái Bình Dương.
Năm 2010 có 14 nước tham diễn gồm Mỹ, Australia, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Hà Lan, Peru, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan.
Lần này, Mỹ triệu tập rất nhiều đồng minh cùng diễn tập, mục đích là thông qua diễn tập quân sự gây sức ép với các nước xung quanh, đồng thời mượn cơ hội kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của mình.
Lôi kéo đồng minh
Ngày 27/6, trang mạng Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn lời Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ Jonathan Greenert cho biết, cuộc diễn tập quân sự lần này nhằm làm cho nhiều nước có thể tìm kiếm được con đường hợp tác phát triển hải quân tốt hơn. Cuộc diễn tập quân sự liên hợp 40 năm qua, lần này thực sự có khác, bởi vì nước tham diễn nhiều hơn.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ cho biết, chủ đề của cuộc diễn tập quân sự liên hợp Vành đai Thái Bình Dương lần này là “Khả năng, Thích ứng, Đối tác”.
Một mục đích chính của cuộc diễn tập quân sự lần này chính là muốn kiểm tra khả năng hiệp đồng tác chiến giữa hạm đội Mỹ và hạm đội đồng minh nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Những năm gần đây, kinh tế Mỹ suy thoái, cộng với các khu vực trên thế giới liên tục diễn ra chiến sự, chi tiêu quân sự quá nhiều. Mỹ hy vọng có thể tìm được nhiều đồng minh đáng tin cậy hơn, có thể hỗ trợ chiến sự cho Mỹ.
Tàu săn ngầm cỡ lớn Admiral Panteleyev của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Nga.
Năm nay, tàu chiến Nga cũng lần đầu tiên tham gia diễn tập, Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ cử một biên đội gồm tàu săn ngầm cỡ lớn Admiral Panteleyev, 1 tàu cứu trợ trên biển và 1 tàu tiếp tế nhiên liệu tham diễn.
Truyền thông Nga dẫn lời quan chức cấp cao Hải quân Nga cho biết, Nga luôn hết sức phản đối chương trình phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang thúc đẩy, quan hệ hai nước hoàn toàn không thoải mái, Nga tham gia cuộc diễn tập quân sự liên hợp nhằm bày tỏ thái độ tranh thủ duy trì quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước.
Ngăn chặn sự trỗi dậy của nước khác
Khi tổ chức diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương năm 2010, người phụ trách thiết kế phương án Carl Baker từng cho rằng, mục đích của một loạt cuộc diễn tập này là đề phòng lực lượng quân sự mới nổi trỗi dậy của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc.
Trong cuộc diễn tập quân sự năm 2012, Trung Quốc là nước lớn khu vực Thái Bình Dương duy nhất không tham gia.
Đầu tháng này, tại Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tái khẳng định sách lược chuyển chiến lược của Mỹ sang hướng Đông, đồng thời tuyên bố đến trước năm 2020, sẽ triển khai 60% tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương. Điều này phản ánh sự coi trọng và lo ngại của Mỹ đối với việc bố trí quân sự khu vực Thái Bình Dương.
Có chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương mở rộng về quy mô cho thấy, môi trường an ninh khu vực này ngày càng đáng lo ngại, tồn tại rất nhiều tính chất bất ổn, các nước tham diễn cũng nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác trên biển, trong khi đó hai nước Nga, Ấn Độ hy vọng đóng góp vai trò quan trọng hơn ở khu vực này.
Tàu tấn công đổ bộ USS Essex, Hải quân Mỹ.
Bài báo cho rằng, điều đáng chú ý là, Mỹ luôn cố gắng thể hiện sức mạnh quân sự của họ, lôi kéo đồng minh quân sự, không có lợi cho thúc đẩy lòng tin an ninh giữa các nước khu vực Thái Bình Dương. Nhưng, để ngăn chặn phát triển quân sự của nước khác, Mỹ liên tiếp tổ chức diễn tập quân sự cũng phản ánh mối lo ngại của Mỹ đối với sự phát triển quân sự của nước khác.
Việt Dũng (nguồn mạng chinareviewnews.com )