Các nhà hoạch định Lầu Năm Góc sẽ xem xét bổ sung thêm máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ một kế hoạch của Mỹ nhằm chuyển sự tập trung sang các thách thức an ninh ở khu vực này.
Một máy bay ném bom B-52 cùng 2 chiến đấu cơ F/A-18 Hornets bay gần tàu sân bay Mỹ USS Nimitz. Thông tin trên được một quan chức cấp cao của Bộ quốc phòng Mỹ cho biết hôm 1/8. Ông Robert Scher, phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về các kế hoạch, nói Lầu Năm Góc sẽ xem xét việc điều thêm các khí tài tới đảo Guam, trung tâm chiến lược của Mỹ ở phía tây Thái Bình Duơng và điều này đã được đề xuất trong một nghiên cứu độc lập về các kế hoạch quân sự của Mỹ trong khu vực.
Chiến lược của Mỹ đã kêu gọi chuyển các nguồn lực kinh tế, ngoại giao và quân sự sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau một thập niên bị sa lầy trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Mỹ phải cân nhắc vấn đề trên với tầm nhìn mang tính toàn cầu và xem xét các yêu cầu khác, ông Scher phát biểu trong một cuộc điều trần tại Hạ viện.
Đảo Guam là lãnh thổ của Mỹ nằm ở Thái Bình Dương gần Philippines. Không quân Mỹ có căn cứ Andersen trên đảo, nơi có một đơn vị máy bay ném bom B-52 luân phiên. Hải quân Mỹ cũng có một đội gồm 3 tàu ngầm tấn công tại đây.
Bản đánh giá độc lập và mối lo ngại từ Trung Quốc
Đảo Guam là lãnh thổ hải ngoại của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đánh giá mới về sự bố trí lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực đã được Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một nhóm nghiên cứu chính sách độc lập, thực hiện theo đề nghị của quốc hội Mỹ.
CSIS đã đề xuất trong một báo cáo được công bố hồi tuần trước về việc triển khai thêm 1 hoặc nhiều tàu ngầm tấn công tại Guam nhằm cung cấp một lợi thế quan trọng chống lại các công nghệ “chống tiếp cận khu vực” mà Trung Quốc đang phát triển để không cho quân đội Mỹ tiếp cận khu vực.
CCIS cũng nhắc tới một phương án khác là đặt thường trực một phi đội gồm 12 máy bay B-52 tại Guam thay cho cách làm hiện thời là luân phiên chúng tới đây từ các căn cứ tại lục địa Mỹ.
Một vấn đề chính mà Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đang đối mặt trong khu vực là “sức mạnh và sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự ổn định và trật tự trong những năm tới”, báo cáo của CSIS cho biết.
CSIS nói rằng các lực lượng Mỹ có thể giúp định hình môi trường hoà bình bằng việc đứng vững trước các cam kết an ninh - một động thái có thể “ngăn chặn sự chèn ép của Trung Quốc hay sự gây hấn của Triều Tiên”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã công bố các kế hoạch nhằm “tái cân bằng” lực lượng hải quân Mỹ từ tỷ lệ 50-50 giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương sang tỷ lệ 50-60 thiên về Thái Bình Dương. Chi tiết của sự thay đổi này chưa được công bố, mặc dù giới nói phần lớn kế hoạch liên quan tới việc bố trí các tàu chiến mới.
Ông Robert Scher cho hay Bộ quốc phòng đồng tình với báo cáo của CSIS rằng “có các cơ hội để tăng cường khí tài với Guam và gửi một thông điệp quan trọng tới khu vực”.
Hiện Mỹ không có kế hoạch triển khai thêm máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công nào tới khu vực nhưng sẽ cân nhắc dựa trên báo cáo của CSIS, ông Scher nói thêm.
Bộ quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục thăm dò các cơ hội với Philippines, một đồng minh lâu đời, về việc triển khai các lực lượng tới “những vị trí ưu tiên” chưa xác định nhằm tăng cường an ninh hàng hải.
An Bình
Tổng hợp