Theo GS Kiệt, sở dĩ loài hoa nấm được thần thánh hóa vì sự xuất hiện của chúng trong điều kiện khá đặc biệt như trên các bức tượng Phật bằng đồng, đá hoặc trên các thanh thép, lá cây…
Những ngày qua, nhiều người dân và bà con phật tử nườm nượp đổ về chùa Phù Ninh (Thủy Nguyên - Hải Phòng) để chiêm bái hoa Ưu Đàm mọc trên một nhánh lan. Đây cũng là lần thứ 3 loài hoa "3.000 năm mới nở" xuất hiện tại chùa Phù Ninh. Tại Đà Nẵng, một người dân cũng tình cờ phát hiện khoảng 20 bông hoa nhỏ mọc thành một chùm trên... xe máy, được nhận định là hoa Ưu Đàm.
Trong thời gian qua, thông tin và hình ảnh về hoa Ưu Đàm cũng liên tục xuất hiện ở nhiều gia đình tại Quảng Nam, Thái Nguyên, Nam Định, TP CM, Phú Yên… Điểm mọc hoa thường là trên kim loại như song sắt cửa sổ, cổng sắt, hàng rào B40, tượng đồng,... Những bông hoa này thường mọc thành dãy với chiều cao tính từ gốc đến đỉnh bông hoa khoảng gần 10cm, thân hoa rất mảnh, như sợi tơ. Bông hoa có màu trắng tinh khiết, hình quả chuông nhỏ li ti.
Hình ảnh hoa Ưu Đàm được sùng bái khi mới xuất hiện.
Nhiều người dân ở các địa phương khẳng định đây là loài hoa mà truyền thuyết của nhà Phật là 3.000 năm mới nở một lần, báo hiệu điềm lành. Một số nhà khoa học khác lại cho rằng những bông hoa mọc trên cửa kính nhiều khả năng là quả thể nở ra của một loại nấm kim. Các bào tử nấm theo gió bay đi khắp nơi, bám vào cửa sắt, cửa kính, chuông chùa…
Nhìn nhận vấn đề theo góc độ khoa học, GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định, thực chất loài hoa mà người ta gọi tên là hoa Ưu Đàm là sinh vật bậc thấp chưa có cấu trúc mô, có thể gọi tên đúng là nấm nhầy bởi cơ thể là một khối nhầy. Khi gặp điều kiện thích hợp, môi trường thuận lợi, khối nhầy sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử, phát triển.
GS Kiệt cho biết, qua quan sát trên kính hiển vi có độ phóng đại 400 lần với mẫu hoa Ưu Đàm mà ông có được thì đây là một thể nhầy trong suốt vắt ngang chiếc lá. Thân của thể nhầy này mới phát triển, chưa có hoa và cũng trong suốt như pha lê… Theo GS Kiệt, sở dĩ loài hoa nấm được thần thánh hóa vì sự xuất hiện của chúng trong điều kiện khá đặc biệt như trên các bức tượng Phật bằng đồng, đá hoặc trên các thanh thép, lá cây…
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng khẳng định, hoa Ưu Đàm đơn thuần chỉ là một loại nấm. Tuy nhiên, GS Chính cho rằng, chưa đủ cơ sở khẳng định hoa Ưu Đàm sinh ra từ nấm nhầy, bởi nấm nhầy không dễ xuất hiện cả trên đồng, sắt và trên lá cây. Đây có thể là nấm mốc, bởi với nấm mốc cũng có thể xuất hiện cả trong tủ lạnh.
Một số nhà khoa học khác lại cho rằng những bông hoa mọc trên cửa kính nhiều khả năng là quả thể nở ra của một loại nấm kim. Các bào tử nấm theo gió bay đi khắp nơi, bám vào cửa sắt, cửa kính, chuông chùa… gặp điều kiện độ ẩm không khí cao đã nẩy mầm và phát triển rất nhanh. Những cây nấm này sống được là nhờ hấp thụ chất khoáng trong không khí.
Còn TSKH Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học, sau khi quan sát những bông hoa đặc biệt này qua ảnh lại đưa ra nhận xét chúng hơi giống trứng của một loài côn trùng cánh lưới - crysôpa (còn gọi là chuồn chuồn cỏ), một loài côn trùng ăn thịt các loài côn trùng khác. Để xác định có đúng là trứng của côn trùng hay không chỉ cần đốt nó bằng ánh sáng ánh mặt trời tụ qua kính lúp. Nếu là trứng côn trùng khi cháy sẽ có mùi khét như vỏ trứng cháy.
Theo Dân trí