Các loài chim rừng là động vật hoang dã cần được bảo vệ, thế nhưng, thời gian gần đây tại Thanh Hóa chim rừng được bày bán công khai như một thứ hàng hóa.
Vòng quanh thành phố Thanh Hóa, các tuyến phố như Lê Hoàn, Lê Lợi, Hạc Thành, Lê Lai, Trần Phú, Quang Trung đều có các điểm bày bán các loài chim rừng. Điểm tập trung công khai nhất là trên đường Lê Hoàn. Tại đây có 5 đến 7 chiếc xe bán chim đứng họp lại thành một “chợ chim” trên vỉa hè bán từ sáng cho đến tối. Mỗi chiếc xe chở hàng chục lồng với nhiều loài chim khác nhau. Các loại chim được đem bán như: Chào mào, khướu, sáo, chim cu gáy, vành khuyên, chích chòe, họa mi, vẹt...
Chim rừng được bày bán công khai trên phố.
Anh Vũ Văn Sơn một người dân ở gần đây cho biết, những người bán chim ở khu vực này đều là những thương lái mua lại chim của các thợ săn từ các huyện miền núi như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy... đem về thành phố bán kiếm lời chứ họ không đi săn bắt chim.
Ghé vào một hàng bán chim di động tại phố Lê Hoàn, sau một hồi hỏi giá của từng loài chim, người bán tâm sự: “Chơi chim cảnh đang là thú vui và đam mê của nhiều người, thú chơi này không kể tuổi tác mà miễn là có tính đam mê. Tôi cũng là người thích chơi chim nhưng nắm bắt được nhu cầu này mà tôi đi mua chim từ các thợ săn rồi mang xuống phố bán kiếm lời. Mỗi ngày cũng kiếm lãi được 50 - 100 ngàn đồng”.
Mỗi loài chim có giá khác nhau, những loài có giá cao nhất như: vẹt, khướu, sáo có giá từ 7 trăm nghìn đến 1 triệu đồng. Những loài chim có giá thấp như chim sẻ, chim sâu,... chỉ cần bỏ ra 15 đến 30 nghìn cũng có thể sở hữu một chú chim về nhà nuôi. Các loại chim giá cao đều là loài chim hiếm, có màu sắc đẹp và được bẫy tận trong rừng như vẹt, họa mi, khướu, sáo đá...
Những chiếc xe di động tập chung lại một chỗ buôn bán như một chợ chim.
Một gười bán hàng cho biết thêm: “Mỗi tháng chúng tôi đi lấy chim về bán một lần, các mối lấy chim đều là quen biết cả. Những người bán chim ở đây và những người bán dạo trên phố đều lấy chim từ các thợ săn. Ở Thanh Hóa nơi tập trung bán nhiều chim nhất là dọc theo QL 1A đoạn qua huyện Tĩnh Gia, ở đây có nhiều thợ săn chim và nhiều đầu mối cung cấp chim. Chúng tôi nhiều khi cũng hay vào đây mua lại chim để đem về thành phố bán”.
Ngoài cung cấp các lại chim rừng về chơi cảnh ra, tại đây còn bày bán đủ các loại vật dụng liên quan đến nuôi chim như: lồng nuôi chim, thức ăn cho chim đủ các loại từ thức ăn thô cho đến thức ăn tươi là các loại sâu, sách hướng dẫn chăm sóc chim...
Thông qua các thương lái bán chim ở phố, chúng tôi liên hệ được với anh Nguyễn Nghiêm một người đam mê chơi chim cu gáy ở huyện Triệu Sơn, anh Nghiêm cũng là người thường xuyên đi đánh bẫy chim cu gáy bằng những con chim cu mồi của mình về bán. Khi được hỏi về nghề bẫy chim anh cho biết: “Khi chơi và đam mê chim thì phải hiểu được từng loài chim. Mỗi loài chim có nhu cầu và cách chăm sóc khác nhau. Chơi chim lâu sẽ hiểu được tập quán của chim và khi đó biết cách bẫy được chim rất dễ”.
Hàng bán chim di động luôn thu hút người đến xem và mua chim.
Cũng theo anh Nghiêm thì hiện giờ những người chơi chim lâu năm nắm bắt được nhu cầu của nhiều người đang có xu thế thích nuôi chim. Những người này họ đã chuyển sang nghề đi bẫy chim để bán. Anh Nghiêm cho biết thêm ở ngay tại huyện anh có hàng chục người đi bẫy chim để bán giống như anh. Những nơi khác thì kể không hết, họ chỉ biết nhau thông qua những chuyến đi vào rừng bẫy chim.
Nghề bẫy chim đang là nghề dễ kiếm tiền. Đây là nghề bỏ vốn đầu tư ít, chỉ cần một vài ba con chim mồi, vài chiếc bẫy là có thể “hành nghề” được. Bẫy được nhiều chim hay ít chim và loại chim đắt tiền hay rẻ tiền thì còn tùy thuộc vào tay nghề của thợ săn. Mỗi chuyến đi săn bắt chim có từ hai đến ba người vào rừng, họ mang theo cả đồ ăn dự trữ trong khoảng thời gian từ 2-3 ngày.
Mỗi thợ săn chim sau chuyến đi săn đem về đủ các loài chim. Giá của từng loài chim được quy định giữa thợ săn và lái buôn tùy thuộc vào sự biến động của giá loại chim đó trên thị trường. Thông qua các thương lái mà chim rừng ở Thanh Hóa được bán cả ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình...
Dọc theo QL 1A, đoạn đi qua huyện Tĩnh Gia có đến hàng chục hàng bán chim như thế này.
Anh Nghiêm chia sẻ món nghề: “Nhiều khi đi săn bẫy được những con chim đẹp để lại nuôi và thuần dưỡng chúng. Khi nào gặp khách mua với giá cao thì bán nếu không thì để nuôi chơi hoặc huấn luyện thành chim mồi để tiếp tục đi bẫy những con chim khác. Thông thường thì đây cũng là món nghề của những thợ săn khác”.
Tình trạng săn bắt chim trái phép trên đang dần tận giệt các loài chim trời ở Thanh Hóa. Một số khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia ở Thanh Hóa như: Bến En, Phù Luông, Xuân Liên... hiện cũng đang là mục tiêu đến để săn bắt của nhiều thợ bẫy chim.
Thái Bá - Duy Tuyên
Theo DânTrí