Khoác áo chuyên nghiệp nhưng hành xử thiếu chuyên nghiệp, muốn cải cách nhưng lại kéo lùi sự phát triển, xã hội hóa theo kiểu không bền vững,... Nền bóng đá của chúng ta dẫm chân tại chỗ là vì thế.
Khi nói về cuộc khủng hoảng toàn diện trong bóng đá VN, người viết nghĩ ngay đến những cách làm ngược đời, ngược quy luật của các nhà quản lý bóng đá. Nền bóng đá nước ta không có gì đặc biệt để phá vỡ quy luật cơ bản mà bóng đá thế giới đang phát triển phải tuân theo. E rằng đến lúc "hồi đầu..." thì đã muộn!
Tây Ban Nha "lội ngược dòng"
Tình trạng tài chính tại Tây Ban Nha mấy năm nay không khả quan, nếu không muốn nói là xấu đi nhiều. Về mặt kinh tế, họ có thể sẽ là một Hy Lạp thứ hai với đà suy thoái nghiêm trọng. Nhưng bóng đá Tây Ban Nha là một ngoại lệ, họ vô địch EURO lẫn World Cup.
Còn trên bình diện câu lạc bộ, La Liga vẫn là giải đấu mà các siêu sao hàng đầu muốn đổ về lẫn tích lũy điểm số UEFA hàng đầu với sự thống trị của "ngọn cờ đầu" Barca. Các sân bóng vẫn đầy khán giả và bản quyền truyền hình từ bóng đá của họ chỉ có tăng...
Nhưng VN không phải là Tây Ban Nha!
Dù Việt Nam cũng đối mặt với khủng hoảng kinh tế và đời sống người dân đang đi xuống. Nhưng nền bóng đá của chúng ta cũng đi xuống theo, vì như đã từng nói, chúng ta xây một ngôi nhà không có nền móng vững chãi.
Khi "bầu" Đức mang Kiatisak về Gia Lai, đội bóng của ông thăng hạng và vô địch liên tiếp hai năm sau đó. Những ông "bầu" khác cảm thấy đấy chính là một hình mẫu để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp mình nên lao vào đầu tư cho bóng đá.
Nhưng cũng như nền kinh tế VN, các ông bầu bắt đầu thấy tiền không còn dễ kiếm để dễ vung nữa, và hầu bao cho bóng đá được bóp lại. "Bầu" Đức đã đi trước và thấy trước điều đó nên không còn vung tay quá trán cho đội bóng của mình theo kiểu thắng trận- thưởng to mà chuyển hướng sang đào tạo bóng đá trẻ.
Ký kết với Arsenal làm học viện bóng đá, tầm nhìn của ông "bầu" này ở tương lai chứ không phải hiện tại.
Mặt khác, quan sát bóng đá nước nhà nhiều năm, người viết chỉ thấy ở Long An mới có bóng đá sạch. Sạch ở đây là không móc ngoặc, đi đêm, đá vì màu cờ sắc áo và thậm chí là chấp nhận xuống hạng để làm lại từ đầu chứ không "bắt tay với quỷ".
Đây cũng là câu lạc bộ dám đưa việc cầu thủ bị gạ gẫm bán độ ra công luận, mời công an vào cuộc. Điều đó giúp xóa những nghi ngờ nội bộ và khiến hình ảnh Đồng Tâm Long An lung linh hơn trong mắt người hâm mộ. Nhưng ở VN, đội bóng kiểu này là hiếm, nếu không muốn nhấn mạnh là rất hiếm.
Công tâm mà nói, các khán giả VN cũng không phải là những người kiên nhẫn hoặc có tình yêu gắn bó. Sau vài trận thua, sẽ ít người đến sân xem đội bóng mình thi đấu, hoặc thậm chí bỏ về giữa trận vì đội bóng không có cơ may chiến thắng.
Đó là do sợi dây gắn kết giữa câu lạc bộ và khán giả quá yếu, sâu xa hơn thì nó còn là hệ lụy của những mối quan hệ xã hội đang ngày một hời hợt và thực dụng hơn.
Bóng đá Tây Ban Nha có thể "lội ngược dòng", nhưng bóng đá VN, thì không!
|
Ảnh minh họa. Nguồn: cinet.gov.vn |
Lối tư duy tiểu nông
Ngươi viết xem thông tin VFF đồng ý với các đề xuất của những ông bầu trong việc nâng độ tuổi "trẻ" của cầu thủ lên mức 25. Một quyết định mà tôi gọi là vì ông bầu, đau cầu thủ còn bóng đá Việt Nam lãnh đủ.
Đây là một hình thức trói chân các cầu thủ trong việc phải cống hiến sau khi được đào tạo. Nhưng đời cầu thủ có bao nhiêu thời gian để "trả ơn" theo kiểu đó? Với Ryan Giggs thì là 20 năm chung thủy với câu lạc bộ nhưng thế giới chưa bao giờ có nhiều cầu thủ như vậy.
Giả sử Brazil hay Argentina cũng "học" theo Việt Nam thì có lẽ các hảo thủ của họ sẽ cứ mãi quẩn quanh nơi ao làng chứ không phải là những cường quốc xuất khẩu cầu thủ.
Ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch VFF, Tổng Giám đốc VPF cho rằng với độ tuổi 25 thì các cầu thủ sẽ gắn bó và duy trì bản sắc đội bóng và truyền thống địa phương. Theo tôi, đây là một lỗi tư duy khá nghiêm trọng.
Bản sắc bóng đá hay truyền thống địa phương không phải dựa trên việc hạn chế tuổi giải phóng cầu thủ. Những đội bóng có lịch sử trăm năm và bản sắc, truyền thống cũng như lối chơi mang đặc trưng riêng như Liverpool, Barca hay Inter chưa bao giờ tự hạn chế điều đó. Và gần như tuyệt đại đa số các liên đoàn bóng đá trên thế giới cũng không làm thế.
Chấp nhận mức lương bèo bọt hơn, chế độ đãi ngộ thấp hơn để trả nghĩa cho câu lạc bộ là một nghĩa cử đẹp của cầu thủ. Nhưng cái nghĩa cử ấy không khác nào vận động học sinh ủng hộ, mà nhà trường lại ấn định số tiền.
Câu lạc bộ có quyền bán hoặc không bán bằng cách hét giá, còn cầu thủ không dễ dàng sang câu lạc bộ khác vì cái chế tài oái oăm trên. Đền hợp đồng thì rất khó vì cầu thủ thường không bao giờ đủ tiền làm điều đó. Được câu lạc bộ khác giải phóng cũng khó vì "đằng chuôi" người ta nắm, muốn khó dễ thế nào chả được.
|
Đời cầu thủ ngắn và giàu rủi ro. Nên không thể cứ vin vào cái gọi là công đào tạo, để giữ cầu thủ theo cách tiêu cực như thế. Đó chính là biện pháp kéo lùi nền bóng đá nước nhà. Một cầu thủ được cọ xát và tìm một hướng mới sẽ có động lực để phấn đấu hơn.
Khi giữ chân anh ta lại mà đội bóng ấy không thể đạt được một thành tích khả dĩ nào đó thì sự khao khát sẽ không còn.
Theo người viết, bản chất vấn đề chính là lối tư duy tiểu nông, chỉ biết cho mình của các ông chủ câu lạc bộ. Với độ tuổi được xác định như vậy, các câu lạc bộ sẽ dễ nắm đằng chuôi trong việc thương thảo và ký kết hợp đồng với cầu thủ theo hướng... ra lệnh.
Chấp nhận mức lương bèo bọt hơn, chế độ đãi ngộ thấp hơn để trả nghĩa cho câu lạc bộ là một nghĩa cử đẹp của cầu thủ. Nhưng cái nghĩa cử ấy không khác nào vận động học sinh ủng hộ, mà nhà trường lại ấn định số tiền.
Câu lạc bộ có quyền bán hoặc không bán bằng cách hét giá, còn cầu thủ không dễ dàng sang câu lạc bộ khác vì cái chế tài oái oăm trên. Đền hợp đồng thì rất khó vì cầu thủ thường không bao giờ đủ tiền làm điều đó. Được câu lạc bộ khác giải phóng cũng khó vì "đằng chuôi" người ta nắm, muốn khó dễ thế nào chả được.
Khoác áo chuyên nghiệp nhưng hành xử thiếu chuyên nghiệp, muốn cải cách nhưng lại kéo lùi sự phát triển, xã hội hóa theo kiểu không bền vững,... Nền bóng đá của chúng ta dẫm chân tại chỗ là vì thế.
Và tổng hợp các yếu tố nói trên trong thời buổi khó khăn hiện tại cùng sự lo lắng về tính ngẫu hứng của các ông bầu, dự đoán về một cuộc khủng hoảng toàn diện của bóng đá VN là hoàn toàn có cơ sở.
Khi ấy, biết trách ai? Hay là vẫn muôn thuở một bài ca mang tên "Cơ chế nó thế!"?
Nhất Ngôn
VNN