Bất chấp các tín hiệu tích cực về sự tăng trưởng, giới phân tích dự đoán FED vẫn duy trì các chính sách kích thích nền kinh tế hiện nay.
Bất chấp những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi tại thị trường nhà đất và việc làm, giới phân tích dự đoán Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục duy trì các chương trình kích thích nền kinh tế hiện nay.
Chủ tịch FED Ben Bernanke. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đây cũng là nội dung chính cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định các chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ, diễn ra trong hai ngày 23-24/10 này.
Theo chuyên gia kinh tế Chris Low của FTN Financial, những tăng trưởng gần đây trong hoạt động kinh tế Mỹ vẫn còn yếu ớt khi mới chỉ giúp tạo thêm 150.000 việc làm, thấp hơn những mục tiêu mà FED đã đề ra.
Ông cũng lưu ý đến những nguy cơ trước mắt mà FED cần tính đến trong quá trình hoạch định chính sách như chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu mà nền kinh tế đầu tàu thế giới đang sắp phải đối mặt, cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng như sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.
Xét một cách tổng quát, chuyên gia Lâu nhận định không có lý do để FED đảo chiều các chính sách hiện tại và nhiều khả năng sẽ cân nhắc việc mở rộng quy mô gói nới lỏng định lượng lần ba (QE3).
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích khác dự đoán tại cuộc họp lần này, FED sẽ cân nhắc đường hướng giải quyết vấn đề lãi suất trong tương lai với hai mục tiêu chính là kiềm chế lạm phát và kích thích tạo việc làm.
Hiện FED vẫn đang duy trì mức lãi suất vay nóng qua đêm ở mức gần bằng 0% đã được thực hiện trong gần bốn năm qua.
Trước đó, tai cuộc họp của FOMC hồi tháng Chín, Chủ tịch FED Ben Bernanke từng nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất chủ chốt ở mức thấp đến khi thị trường lao động được cải thiện đáng kể.
Tháng trước, FED đã quyết định thực hiện gói kích thích kinh tế thứ ba - QE3, theo đó mỗi tháng mua 40 tỷ USD chứng khoán được sự hỗ trợ của các khoản cho vay mua nhà nhằm tiếp tục giữ tỷ lệ lãi suất ở mức gần bằng 0%.
Bằng việc giữ mức lãi suất siêu thấp này, FED hy vọng sẽ kích thích kinh tế tiêu dùng, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuyển thêm nhân công nhằm cải thiện thị trường lao động ở Mỹ.
Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự kiến các biện pháp làm giảm áp lực tài chính như trên “sẽ vẫn phù hợp với tình hình trong một thời gian dài đáng kể,” ngay cả sau khi nền kinh tế Mỹ được củng cố hơn so với đà tiến chậm chạp hiện nay.
Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke, khẳng định chính sách khuyến khích tài chính là nhằm thúc đẩy và củng cố đà phục hồi của kinh tế Mỹ, qua đó cũng mang lại những lợi ích to lớn cho nền toàn cầu.
Kinh tế Mỹ phát triển sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ mạnh hơn cho xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của các nước, trong đó có các nền kinh tế đang nổi lên./.
Theo
TTXVN