(Dân trí) - Đêm qua siêu bão Sandy với sức gió hơn 130 km/h đã đổ bộ vào nước Mỹ. Các chuyên gia ước tính cơn bão có thể khiến nước này thiệt hại 10 tỷ USD mỗi ngày. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ phải tiếp tục đóng cửa trong ngày hôm 30/10.
Đúng như dự báo của các chuyên gia, siêu bão Sandy với sức gió lên tới 136 km/giờ đã đổ bộ vào bờ biển bang New Jersey, gây ra những đợt sóng lớn và lụt lội nghiêm trọng tại nhiều nơi. Tại Atlantic City nhiều vụ lở đất đã được ghi nhận. Trong khi đó điện lưới đã bị cắt tại nhiều khu vực thuộc 11 bang khiến khoảng 2,2 triệu người sống trong cảnh mất điện.
Bão Sandy đang gây gió mạnh, nước biển dâng cao
Dự kiến khoảng 60 triệu người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng và ước tính thiệt hại trong trường hợp khả quan nhất cũng là 2 tỷ USD. Còn trong tình huống xấu nhất, con số thiệt hại sẽ lên tới 100 tỷ USD. Hàng trăm trường học, văn phòng, trung tâm thương mại, nhà hàng đã phải đóng cửa trước khi bão tới. Các rạp chiếu phim, casino tại Atlantic City đều phải mời khách ra về.
Theo công ty dịch vụ theo dõi chuyến bay FlightAware, gần 7500 chuyến bay đã bị hủy trong ngày thứ Hai và thứ Ba tại các bang vùng Đông Bắc. Ryan Sweet, nhà kinh tế cấp cao của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody sẽ gây ra thiệt hại lớn về kinh tế dù tác động của nó đến tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý 4 sẽ không đáng ngại.
“Vụ việc này chỉ có tác động đối với một khu vực…Sandy sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới kinh tế vĩ mô của Mỹ”, ông Sweet nói. Chuyên gia này dự báo sản lượng kinh tế tại các bang Washington và New York sẽ chịu tổn thất khoảng 10 tỷ USD/ngày.
Trong khi đó Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của Mesirow Financial cho rằng bão Sandy sẽ khiến chi tiêu của người Mỹ tăng “khá mạnh” do mọi người đều lo tích trữ lương thực, nước uống, pin và các đồ dùng thiết yếu khác. “Việc này sẽ được thể hiện ở việc người dân tăng chi tiêu vào các thiết bị gia dụng và thực phẩm tích trữ.
Ngoài ra chi tiêu cũng sẽ tăng một khi những thiệt hại do cơn bão được đánh giá và công việc sửa chữa bắt đầu. Những khoản chi tiêu này sẽ ảnh hưởng một chút tới mức chi tiêu trong mùa lễ hội cuối năm, mức độ nhiều hay ít tùy thuộc vào chi phí bảo hiểm người dân được chi trả là bao nhiêu”, bà Swonk nhận định.
Trong ngày hôm nay, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục sẽ phải đóng cửa trong ngày thứ hai liên tiếp vì bão lớn gây lụt lội và giao thông đình trệ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1888 thị trường chứng khoán Mỹ phải đóng cửa trong 2 ngày liên tiếp vì lí do thời tiết.
Đường phố New York ngày 29/10 mênh mông nước
Cùng lúc đó thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tạm ngừng giao dịch. Sàn giao dịch hàng hóa NYMEX tại New York cũng đóng cửa giao dịch tại sàn và chỉ mở cửa đối với hoạt động trực tuyến. Dự kiến phải đến ngày 31/10 thị trường tài chính Mỹ mới trở lại hoạt động bình thường.
“Ngay cả khi các sàn giao dịch có thể hoạt động hoàn toàn thông qua hệ thống từ xa thì những người liên quan tới các sàn giao dịch cũng đang phải lo chống chọi với cơn bão. Đây là điều từng xảy ra sau vụ 11/9 dù sàn Nasdaq cùng các địa điểm giao dịch khác vẫn có thể mở cửa”, James Angel, giáo sư trường kinh doanh McDonough, đại học Georgetown University nói. “Dù không ai muốn nhưng rõ ràng an toàn của những người tham gia thị trường mới là mối quan tâm hàng đầu”.
Do ảnh hưởng của bão lớn trong những ngày qua các nhà máy lọc dầu lớn nhất tại phía Đông Bắc của Mỹ đều đã phải đóng cửa hoặc giảm mạnh sản lượng. Dù vậy giá dầu thế giới phiên đầu tuần vẫn giảm nhẹ do nhu cầu sụt mạnh vì đại đa số lái xe tại các bang bão đi qua không thể ra đường.
Chốt phiên giao dịch đêm qua giá dầu thô trên sàn New York trong phiên giao dịch điện tử giảm 1,3% xuống 85,54 USD/thùng. Dầu thô Brent cũng giảm nhẹ 11 cent, xuống 109,44 USD/thùng. Như vậy trong tháng này giá dầu thô Brent đã sụt khoảng 2% và sẽ là tháng thứ hai giảm giá liên tiếp
Thanh Tùng
Tổng hợp