Giá vàng có thể thiết lập mức cao kỷ lục mới trên 2.000 USD/oz vào năm 2013 - CEO công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới cho biết. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ lên đến 54 triệu đồng/lượng.
Bên lề một phiên họp gần đây, ông Jamie Sokalsky, Giám đốc điều hành của Barrick Gold, bày tỏ “Chúng tôi kỳ vọng vàng sẽ bứt phá lên ngưỡng 2.000 USD và cao hơn nữa trong năm tới.”
“Trung Quốc chắc chắn sẽ còn mua vào, trong khi nhu cầu đầu tư ở mức cao và khối ngân hàng trung ương tăng cường mua vào thay vì bán ra như họ thường làm trước đây, tôi dự đoán rằng giá vàng sẽ thiết lập con số 2.000 USD trong năm tới, thậm chí là cao hơn thế”, Sokalsky cho biết.
Raymond Key, trưởng bộ phận giao dịch kim loại quý toàn cầu tại Deutsche Bank, cũng có những dự đoán tương tự. Theo ông, vàng sẽ cán ngưỡng kỷ lục mới 2.000 USD/oz vào năm tới khi các ngân hàng trung ương chạy đua trong việc bơm tiền kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế.
“Giá vàng sẽ vượt qua ngưỡng 2.000 USD và có thể tăng cao hơn. Kịch bản này dựa trên việc các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục in tiền”, ông Key phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Thị trường vàng London (LBMA) ở Hồng Kông.
Khi kịch bản đó xảy ra, giá vàng thế giới lên mức 2.000 USD/oz, 1 lượng bằng 1.20556 oz, với tỷ giá hối đoái như hiện tại ở mức 20.835 VND/ 1 USD, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới gần 4 triệu đồng/lượng, thì giá vàng trong nước sẽ đạt mức 54 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đang tiến tới năm thứ 12 tăng liên tiếp trước những lo ngại rằng chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích tăng trưởng kinh tế của các chính phủ và các ngân hàng trung ương trên thế giới để thúc đẩy sự phục hồi từ suy thoái kinh tế và chống lại hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu sẽ làm mất giá đồng tiền và tăng lạm phát. Lượng vàng mà các quỹ đầu tư tín thác (ETF) nắm giữ đã đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước.
Ngày 6/9/2011, giá vàng thế giới đạt mức kỷ lục hơn 1.920 USD/oz. Tại thời điểm này giá vàng là 1.730 USD/oz và đã tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Trong thời gian kể từ tháng 12 năm 2008 đến tháng 6 năm 2011, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi 2.3 nghìn tỷ USD để mua tài sản trong hai chương trình nới lỏng định lượng QE1 và QE2, giá vàng đã tăng 70%. Ngày 24 tháng 10 vừa qua, FED cho biết sẽ mua 40 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng và có thể sẽ giữ lãi suất cơ bản đồng USD gần 0% cho tới năm 2015 để hỗ trợ tăng trưởng và tạo việc làm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 30 tháng 10 mở rộng chương trình mua tài sản lần thứ 2 trong vòng 2 tháng. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng tuyên bố sẵn sàng mua nợ từ các quốc gia trong khối Eurozone.
Theo dự báo của ngân hàng Barclays, lượng vàng mà các quỹ đầu tư tín thác (ETF) mua trong năm nay có thể đạt mức 200 tấn, từ mức 175 tấn vào năm ngoái. Các ngân hàng trung ương cũng đang tích cực gom mua vàng. Theo số liệu của quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Brazil, Hàn Quốc và Nga là một trong số các quốc gia tăng dự trữ vàng trong năm nay. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 254,2 tấn vàng, so với mức mua ròng 456 tấn trong cả năm 2011.
VEF