Buổi thuyết trình về chồn nhung đen thu hút cả phó chủ tịch xã, ca sĩ, bác sĩ... tham gia. Đơn vị tổ chức liên tục khẳng định, đây không phải mô hình đa cấp.
7h sáng 25/11, trụ sở UBND xã Giao An (Giao Thủy, Nam Định) chật ních xe ô tô con về tham dự hội nghị tổng kết mô hình nuôi chồn nhung đen, một số xe vào sau phải loay hoay mãi mới tìm được chỗ đỗ. Hòa mình vào đám đông tham dự hội nghị chúng tôi đếm sơ sơ cũng phải gần 500 người. Để ổn định chỗ ngồi, ban tổ chức phải dựng thêm hai xưởng bạt ngoài sân cộng với gần chục công an viên được huy động túc trực.
Mở đầu hội nghị là màn đàn ca múa hát do các cô giáo mầm non xã nhà thể hiện. Tiếp đến là màn giới thiệu các đại biểu tham dự đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Nghe dẫn chương trình giới thiệu, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác bởi sự chuyên nghiệp các thành phần tham dự. Trong đó, có một Phó Chủ tịch TX. Tam Điệp (Ninh Bình); một người từng là giám đốc bệnh viện tư nhân tại TP.Vinh (Nghệ An) cùng hàng trăm cán bộ xã đến từ trên 30 tỉnh, thành… Thậm chí, có cả đoàn nghệ sĩ từ TP.HCM bay ra tìm hiểu để tham gia mô hình.
Toàn cảnh buổi thuyết trình về nuôi chồn nhung đen tại Giao An, Giao Thủy, Nam Định sáng 25/11 với sự tham gia của người dân, trong đó có cả "phó chủ tịch xã, bác sĩ, ca sĩ"
Mở màn hội nghị, ông Đoàn Việt Châu lên đọc báo cáo tổng kết những thành quả mô hình đạt được trong những năm qua, những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ và định hướng kế hoạch cho các năm tiếp theo. Ông Đoàn Việt Châu cũng nhiều lần đề cập đến các bài viết của báo chí với ngụ ý báo viết chưa thật sự khách quan và người viết chưa hiểu bản chất của vấn đề. Ông Châu giải thích trước toàn thể hội nghị rằng, mô hình của ông không phải là bán hàng đa cấp bởi bán hàng đa cấp là người này giới thiệu cho người kia và được hưởng hoa hồng. Còn mô hình của ông Châu thay vì người tham gia mô hình nhân rộng giới thiệu thì chính ông sẽ làm công việc đó và chịu trách nhiệm nên không có sự sai lệch trong quá trình mở rộng.
Ông trấn an mọi người rằng, báo viết là việc của báo, quan trọng là bà con nông dân phải tin ở ông bởi ông nghĩ ra mô hình này không phải mục đích để kiếm tiền từ bà con mà tạo cơ hội để những người nghèo có cơ hội làm giàu và những người vỡ nợ có cơ hội thoát khỏi cơn hoạn nạn bế tắc. Bằng chứng, ông Châu đang cho người dân trên toàn quốc nợ hàng chục tỷ đồng, ngay tại xã Giao An quê ông hiện giờ bà con nợ ông hơn chục tỷ và ông khẳng định hầu hết các mô hình đều được ông cho nợ từ 30-50% tổng giá trị hợp đồng?
Cũng tại hội nghị này, ông Đoàn Việt Châu đã trao rất nhiều phần thưởng cho cán bộ, nhân viên và người tham gia mô hình nuôi chồn nhung tốt nhất. Trong đó, ông Phan Thế Quyền tại Nam Định được thưởng một chiếc xe máy Air Blade trị giá trên 40 triệu đồng.
Ngành giải trí ảm đạm, ca sĩ cũng nuôi chồn nhung?
Nhóm nhạc sĩ, ca sĩ đến từ TP.HCM đến hội nghị không phải là để ca hát mua vui cho mọi người mà với mục đích tìm cơ hội làm giàu. Dẫn đầu đoàn nghệ sĩ này là anh Võ Tấn Phát - Phó giám đốc điều hành, giảng viên thanh nhạc Công ty TNHH MTV Cảm xúc Âm nhạc có trụ sở tại số 749 Hồng Bàng (phường 6, quận 6, TP.HCM). Anh Phát tâm sự, nghe tin mô hình nuôi chồn nhung sắp tới mở rộng vào Nam nên quyết định tham gia và dự kiến mua 100 cặp để chăn nuôi trong bối cảnh ngành ca nhạc giải trí ảm đạm như hiện nay.
Ông Đoàn Việt Châu khẳng định mô hình nuôi chồn nhung đen của mình không phải kinh doanh đa cấp mà hướng đến mục tiêu lợi nhuận cho bà con nông dân
Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với anh Võ Tấn Phát bị ngắt quãng bằng tràng pháo tay giòn giã của bà con khi những bài thơ ca ngợi ông Đoàn Việt Châu và mô hình nuôi chồn được xướng lên.
Kết thúc hội nghị, ông Đoàn Việt Châu chủ động gặp phóng viên, tâm sự đã khóc khi đọc 3 bài báo về nuôi chồn nhung đe đăng báo. Và điều khiến ông không hài lòng nhất là việc đánh đồng mô hình của ông với Công ty Giấc Mơ Việt. Theo ông Châu, mô hình của Giấc Mơ Việt là bán hàng đa cấp thực sự còn mô hình của ông mục đích là hướng đến người nghèo chứ không hẳn là lợi nhuận.
Kinh doanh đa cấp trá hình?
Để tham gia mô hình của ông Châu, người dân phải bỏ ra 4 triệu đồng mua một cặp chồn bố mẹ và sau đó được ông mua lại giá 2 triệu đồng/cặp trong khi giá ngoài thị trường chỉ 200.000-300.000 đồng/đôi. Mô hình kéo dài trong 28 tháng, sau khi hết hợp đồng người dân phải tiêu hủy đàn chồn làm thức ăn mới được phép vào đợt tiếp theo và phải mua với giá cũ là 4 triệu đồng/cặp.
Việc đẩy giá trị con chồn gấp hàng chục, hàng trăm lần giá trị thực của nó bản chất là hình thức kinh doanh đa cấp. Điểm khá biệt trong mô hình của ông Đoàn Việt Châu so với Công ty Giấc mơ Việt là cho người dân nợ 30-50% tổng giá trị hợp đồng và có kèm theo một số chính sách ưu tiên, ưu đãi khác.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam