Quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 Bộ luật Hình sự là một quy định thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại vướng mắc là do các căn cứ quy định về việc được miễn trách nhiệm hình sự còn khá khái quát, chung chung dẫn đến áp dụng tùy tiện, dễ dãi.
Thậm chí trong nhiều trường hợp cụ thể, thay vì phải tuyên công dân không phạm tội và phải thực hiện việc xin lỗi, minh oan thì nay cơ quan tố tụng lại làm thao tác ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự.
Điều 25 Bộ luật Hình sự quy định ba căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau: Thứ nhất, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ hai, trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Thứ ba, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.
Nhìn một cách tổng thể, điều luật đã quy định khá cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng còn chưa “khớp”, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Chưa kể, việc quy định chung chung của điều luật này sẽ tạo ra việc áp dụng tùy tiện của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Hiện chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định hành vi như thế nào là “không còn nguy hiểm cho xã hội” hoặc như thế nào là “mức thấp nhất hậu quả của tội phạm”. Bên cạnh đó, việc quy định “hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” cũng còn khá “mù mờ”, dẫn đến nhiều cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.
Ở những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, rõ ràng có hành vi phạm tội xảy ra, có tội, nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do được pháp luật tha bổng, khoan hồng. Thực tế, đã có trường hợp hành vi vi phạm chỉ ở “nhẹ hều”, lẽ ra phải được miễn trách nhiệm hình sự thì cơ quan tố tụng vì thiếu thiện chí nên vẫn “đè” ra để truy cứu trách nhiệm hình sự đến cùng. Ngược lại, có trường hợp lợi dụng quy định này để miễn tội vô căn cứ hoặc lợi dụng quy định này để “né” trách nhiệm bồi thường oan sai cho công dân.
Thiết nghĩ, cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để việc áp dụng pháp luật được đồng bộ, thống nhất, chính xác, khách quan và công bằng!
Công Tâm