Trung Quốc có thể kéo khoảng 30 sư đoàn chủ lực ra sát biên giới với Ấn Độ, trong đó mỗi sư đoàn có khoảng 15 ngàn quân.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/1 dẫn nguồn tin tờ India Times cho biết, Ấn Độ đang tập trung phát triển lực lượng quân sự nhằm tăng cường năng lực tấn công đối phó trước khả năng "tác chiến với Trung Quốc" ở khu vực biên giới Tây Tạng.
Ngoài 2 lữ đoàn bộ binh, 2 lữ đoàn tăng thiết giáp độc lập, New Delhi còn thành lập thêm một đơn vị đặc biệt tác chiến tại địa hình biên giới đồi núi giữa Ấn Độ với Trung Quốc.
Ấn Độ sẽ phát triển một lực lượng khoảng 40 ngàn quân lo phản kích Trung Quốc tại khu vực Tây Tạng
Để thành lập lực lượng đặc biệt tác chiến địa hình đồi núi giáp biên giới với Trung Quốc, trong 5 năm từ 2012 đến 2017 New Delhi sẽ phải chi khoảng 810 tỉ rupee. Một khi bị Trung Quốc tấn công, lực lượng này với khoảng 40 ngàn quân sẽ là cánh quân chủ đạo phản kích lại quân Trung Quốc tại khu vực Tây Tạng.
Ấn Độ đang tích cực nghiên cứu chế tạo dòng tên lửa đạn đạo Agni-5 và Agni-4, đồng thời bố trí các chiến đấu cơ Su-30MKI mới sắm của Nga, máy bay do thám không người lái, trực thăng vũ trang và tên lửa không quân ở biên giới Đông Bắc. Mục tiêu chung của tất cả các động thái này, theo trích dẫn của Hoàn Cầu, là nhằm đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra từ phía Trung Quốc.
Hiện tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Ấn Độ đã đồng ý với phương án xây dựng một đơn vị quân đội chuyên tác chiến tại địa bàn biên giới rừng núi giáp với Tây Tạng - Trung Quốc, tuy nhiên nó vẫn phải đợi Ủy ban An ninh Nội các Ấn Độ thông qua.
Tổng hành dinh của lực lượng đặc biệt này được đặt tại bang Tây Bengal. Một nguồn tin nói rằng lực lượng này sẽ được biên chế thành 2 cánh quân phản ứng nhanh để đối phó với các cuộc tấn công có thể đến từ 2 hướng, Trung Quốc và Pakistan.
Một trong số ít nhất 5 căn cứ Không quân Trung Quốc đã xây dựng gần biên giới với Ấn Độ
Dẫn lời tờ India Times, Hoàn Cầu cho biết việc xây dựng đơn vị đặc biệt này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang không ngừng củng cố sức mạnh quân sự của họ tại các căn cứ sát biên giới với Ấn Độ. Bắc Kinh đã bố trí ít nhất 5 căn cứ không quân, xây dựng tuyến đường vận tải chiến lược dài tổng cộng 58 triệu km.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, với hệ thống đường chiến lược như vậy, Trung Quốc có thể kéo khoảng 30 sư đoàn chủ lực ra sát biên giới với Ấn Độ, trong đó mỗi sư đoàn có khoảng 15 ngàn quân. Xét về tương quan lực lượng, quân số phía Trung Quốc có để cao gấp 3 lần quân số Ấn Độ ở biên giới.
(Theo GDVN/Thời báo Hoàn cầu)