- Chinh phục Mặt trăng được coi là "sứ mệnh lịch sử" của người TQ khi nước này quyết tâm đưa vệ tinh "Hằng Nga 3" đổ bộ lên hành tinh này.
Người TQ đã có những chuẩn bị tích cực nhất cho siêu dự án, thậm chí báo chí nước này còn coi việc đổ bộ lên Mặt trăng sẽ nâng tầm TQ khi so sánh với 2 người đàn anh đi trước là Nga và Mỹ.
Chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc trước hết nhằm tới Mặt trăng và không dùng người, chỉ dùng thiết bị. Chương trình chia làm ba giai đoạn, gọi tắt là: 1- Vòng quanh Mặt trăng; 2- Hạ cánh xuống Mặt trăng; 3- Từ Mặt trăng trở về.
Tổng cộng bố trí sáu vệ tinh Hằng Nga (Chang E, viết tắt CE); trong đó CE-1, 3 và 5 sẽ làm nhiệm vụ bay vòng Mặt trăng, hạ cánh xuống Mặt trăng và lấy mẫu đất Mặt trăng rồi trở về Trái đất. CE-2, 4, 6 là các vệ tinh dự bị của CE-1, 3, 5. Chương trình trên dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2020.
Trên thực tế TQ đã đi được những bước đi quan trọng khi phóng thành công vệ tinh "Hằng Nga 1" và "Hằng Nga 2" vào quỹ đạo Mặt trăng.
Hiện nay Trung Quốc đang chuẩn bị tiến sang giai đoạn hai: đưa vệ tinh “Hằng Nga-3” đổ bộ lên Mặt trăng, trực tiếp đo đạc khảo sát thiên thể này ngay trên bề mặt nó.
Dù được xem là bí mật quốc gia, nhưng mới đây những hình ảnh độc về quá trình chuẩn bị cho "Hằng Nga 3" đổ bộ lên Mặt trăng đã xuất hiện trên báo chí TQ.
Vệ tinh của TQ đang được hoàn thiện và kiểm tra những điểm quan trọng trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình trong không gian.
Viện sĩ Diệp Bồi Kiến, Cố vấn Tổng thiết kế sư và Tổng chỉ huy dự án Hằng Nga-2 và Hằng Nga-3, Tổng thiết kế sư kiêm Tổng chỉ huy dự án Hằng Nga-1 tuyên bố: trong nửa cuối năm 2013, Trung Quốc sẽ tiến hành phóng vệ tinh Hằng Nga-3 (CE-3), thực hiện vụ hạ cánh mềm lần đầu tiên một thiết bị thăm dò của Trung Quốc trên một thiên thể bên ngoài Trái đất.
Hằng Nga-3 gồm bộ phận hạ cánh nặng 100 kg và xe tự chạy nặng 120 kg, chở được 20 kg thiết bị, chạy bằng máy phát nhiệt điện chất đồng vị phóng xạ. Loại động cơ này cho phép xe có thể làm việc cả vào ban đêm khi nhiệt độ cực thấp làm ac-quy ngưng hoạt động, thiết bị điện tử bị đóng băng. Xe có thể chạy 10 km trong khu vực rộng 5 km2, lấy mẫu đất đưa vào xe phân tích và gửi kết quả về Trái đất.
Đây là một bước đột phá về các công nghệ quan trọng như hạ cánh mềm, thăm dò bề mặt Mặt trăng, khảo sát sự sinh tồn trên Mặt trăng, công nghệ thông tin và điều khiển xa, công nghệ đưa tên lửa vận tải trực tiếp đi vào quỹ đạo quay xung quanh Mặt trăng.
Tờ CNI của TQ nhận định, Hằng Nga-3 sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh mềm trở lại Mặt trăng kể từ sau ngày kết thúc Dự án Apollo của Mỹ.
Không chỉ ôm tham vọng chinh phục Mặt trăng, TQ còn muốn đưa Sao Hỏa vào tầm ngắm sau khi có thông tin Ấn Độ sẽ tiến hành phóng tàu thăm dò sao Hỏa trong năm nay. Giờ đây Bắc Kinh phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình khám phá không gian của mình nếu không muốn bị Nga và Mỹ bỏ lại quá xa trong khi Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác đang phả hơi nóng vào Bắc Kinh trong cuộc đua chiếm lĩnh không gian.
theo đv