Trong một cuộc điều tra mới đây, 69,8% số gia đình cho con nghỉ học và đi làm cho rằng nguyên nhân là gặp những khó khăn trong cuộc sống. Điều này cho thấy xu hướng con cái dù còn nhỏ, chưa đến tuổi lao động, vẫn bị bố mẹ gắn cho trách nhiệm làm kinh tế cho gia đình.
|
Hình minh họa |
Bé tuổi, lớn trách nhiệm
Không đến mức phải chịu đòn roi tàn nhẫn về thể xác như trường hợp của Nguyễn Thị Bình và Hào Anh, nhưng những khổ sở về tinh thần thì ngày nào em Nguyễn Thị V. (người Vĩnh Phúc làm giúp việc gia đình ở quận Thanh Xuân, HN) cũng phải chịu đựng.
Bà chủ nhà nơi V. làm thuộc típ người có quan niệm “mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng” nên từ khi thuê em về bà tuyệt đối không động tay động chân vào việc gì dù là cá nhân. Quần áo thay ra, bà để nguyên thành những đống tròn tròn trên sàn nhà để người giúp việc vào treo lên mắc. Băng vệ sinh phụ nữ của bà chủ cũng một tay V. nhặt từ sàn nhà tắm, bỏ thùng rác. Hai đứa con trai của bà chủ cuối cấp 1, nhưng V. vẫn phải vệ sinh cho chúng sau khi đại tiện, vì đơn giản mẹ chúng muốn thế…
chuyện với hàng xóm, bà chủ nhà có vẻ tâm đắc với những “sáng kiến” trên, vì “ở với mình còn sướng chán vạn ở quê nhà nó”. Còn V. mỗi lúc buồn em lại ra hành lang khóc dấm dứt, thương mẹ và em ở nhà chưa một lần được con, được chị hầu như thế. Nhưng món nợ tiền xây nhà chưa thể cho em về quê…
Viện Gia đình và Giới đã thực hiện khảo sát 201 gia đình có trẻ em đã và đang làm giúp việc tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thanh Hóa và 80 trẻ đang làm giúp việc ở Hà Nội cho thấy, 78,6% số trẻ đi làm thuê vì gia đình gặp khó khăn, trong đó thiếu tiền (49,3%), có người ốm đau bệnh tật (15,4%), thiếu người lao động và vay nợ (12%), thiếu việc làm (10%), đông con (8%)... ; 69,8% số gia đình được hỏi nói rằng, quyết định cho con nghỉ học và đi làm khi gặp những khó khăn trong cuộc sống. Điều này cho thấy xu hướng con cái dù còn nhỏ, chưa đến tuổi lao động, vẫn bị bố mẹ gắn cho trách nhiệm làm kinh tế cho gia đình.
Rào cản từ nhu cầu đôi
Góc độ xã hội, ở thành thị, người dân đã quen mắt với hình ảnh một gia đình đi chơi, vào quán ăn dắt kèm theo một đứa trẻ giúp việc gia đình chừng 12-15 tuổi, ăn mặc xoàng xĩnh, mặt mũi thôn quê, bế trẻ con theo sau.
Còn ở những vùng quê, nơi “phong trào” đi giúp việc gia đình rầm rộ thì thái độ của cộng đồng cũng thay đổi. 68,2% gia đình được hỏi trả lời là những người trong cộng đồng có thái độ đồng tình với việc con em họ đi làm giúp việc, 22,9% gia đình cho rằng những người trong cộng đồng có thái độ bình thường và chỉ có 6,5% gia đình cho rằng con em họ đi làm giúp việc bị người trong cộng đồng phản đối.
Ở góc độ pháp luật, Bộ luật Lao động cho phép trẻ em từ đủ 15 tuổi trở lên có thể làm thuê giúp việc gia đình nếu các công việc đó nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi, thời gian làm việc không vượt quá quy định của luật, không ảnh hưởng đến học tập, môi trường làm việc không ảnh hưởng đến phát triển nhân cách và sức khỏe…
Tuy nhiên, ai cũng biết rằng việc trẻ em làm thuê giúp việc gia đình tiềm ẩn nhiều mối nguy như có thể bị ngược đãi, xâm hại, đánh đập… “Vì bản chất của công việc này diễn ra trong không gian khép kín, người ngoài không nhìn thấy, nên trẻ em giúp việc gai đình có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị phân biệt, đối xử, bóc lột và lạm dụng”,theo ông Gyorgy Sziraczki – Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam.
Cũng theo ông Gyorgy Sziraczki, đã đến lúc cần xác định những yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong công việc làm thuê giúp việc gia đình và cấm trẻ em dưới 18 tuổi làm công việc đó. Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về trẻ em làm thuê giúp việc gia đình, song đợt Tổng điều tra Dân số và Nhà ở gần đây cho thấy 7,1% lao động làm thuê giúp việc gia đình ở Việt Nam dưới 18 tuổi.
Còn theo một nghiên cứu về giúp việc gia đình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành năm 2011 tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, có tới 17,3% lao động làm giúp việc gia đình tại Hà Nội và TPHCM ở lứa tuổi dưới 18 tuổi.
Với sự hợp tác của ILO, Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình, dự án, điều tra tình hình và nguyên nhân dẫn tới lao động trẻ em, xây dựng Chương trình quốc gia xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất từ phòng ngừa, can thiệp sớm, giải cứu các em khỏi các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hỗ trợ các em tái hòa nhập cộng đồng. Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm nay: “Hãy nói không với lao động trẻ em làm thuê giúp việc gia đình” cũng liên quan tới mục tiêu này.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, giảm thiểu số trẻ em đi làm thuê là việc cấp thiết, nhưng không dễ. Vì luôn tồn tại song hành hai nhu cầu trong xã hội: nhu cầu thuê người giúp việc là trẻ em và nhu cầu được đi làm giúp việc của không ít trẻ em và gia đình ở nông thôn.
Minh Dương