Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo ngang giá sức mua tương đương 322 tỷ USD, kinh tế Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore.
Theo bảng xếp hạng được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố cuối tuần trước, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP (tính theo ngang giá sức mua) năm ngoái đạt gần 15.700 tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc với khoảng 12.500 tỷ USD, Ấn Độ - 4.800 tỷ USD và Nhật Bản - 4.500 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo trên, Nga đã vượt qua Đức để chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với 3.400 tỷ USD. Số liệu này của Đức là 3.300 tỷ USD.
Việt Nam đứng thứ 42 trong 177 nền kinh tế được World Bank xếp hạng năm nay. Ảnh: Hoàng Hà
Tại khu vực Đông Nam Á, nước có xếp hạng cao nhất là Indonesia (16) với hơn 1.223 tỷ USD. Theo sau là Thái Lan (21) với hơn 655 tỷ USD, Malaysia (26), Philippines (29) và Singapore (39). Việt Nam xếp ở vị trí 42, ngay sau Singapore trong khu vực, với hơn 322 tỷ USD.
Bảng xếp hạng177 nền kinh tế của World Bank khác với thứ hạng tính theo GDP danh nghĩa của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo IMF, dẫn đầu danh sách này vẫn là Mỹ và Trung Quốc với hơn 15.700 và 8.200 tỷ USD. Các thứ hạng sau có sự khác biệt, đứng thứ ba là Nhật Bản, tiếp đó đến Đức, Pháp, Anh, Brazil và Nga. Việt Nam xếp hạng 51 trong danh sách này với GDP danh nghĩa hơn 141 tỷ USD.
World Bank tính toán GDP theo phương pháp ngang giá sức mua. Theo đó, họ coi 1 USD có thể mua được các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau, tùy vào từng quốc gia. Ở các nước ít phát triển hơn, 1 USD có thể mua được nhiều hàng hóa hơn. Vì vậy, xếp hạng theo GDP ngang giá sức mua của họ sẽ cao hơn.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố ngày 12/7, World Bank đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô nhìn chung tương đối ổn định, các cân đối ngoại được cải thiện, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là điạ chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai ở khu vực ASEAN.
Tuy nhiên thách thức đặt ra khi tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách kinh tế cuối những năm 80. Tỷ lệ đầu tư trong GDP giảm, PMI giảm và bán lẻ tăng chậm. Nhập khẩu của khu vực trong nước giảm cho thấy nhu cầu thấp đối với máy móc thiết bị và hàng hóa trung gian, cũng như tiêu dùng cá nhân yếu. Tình hình tài khóa không mấy thuận lợi, cải cách cơ cấu chậm quá trình mới bắt đầu nhưng chưa được thực hiện quyết liệt.
World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế ước tính ở mức 5,3% trong năm nay và khoảng 5,4% vào năm sau. Lạm phát dự kiến ở mức 8.2% vào thời điểm cuối năm 2013.
Thùy Linh (theo Ria Novosti/WB)