Văn bản được nói là của Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt, trong đó có điều khoản quy định 'về cách xử lý việc giả danh nhà báo ghi hình CSGT' đang gây nhiều phản ứng trái chiều.
Sự phát triển của mạng xã hội tại Việt Nam đang giúp việc tố giác sai phạm của CSGT trở nên dễ dàng
Các báo trong nước dẫn văn bản được nói do Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt thuộc Bộ Công an ký, gửi đến CSGT các tỉnh, thành phố trung ương hồi tháng Tư, trong đó có đoạn:
"Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng ... quay phim chụp ảnh hoạt động thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ."
"Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Những chi tiết này đã bị chỉ trích trên các diễn đàn mạng vì bị cho là ngăn cản việc ghi hình các trường hợp sai phạm của CSGT, đồng thời bắt buộc phóng viên, nhà báo phải có sự đồng ý của CSGT mới được ghi hình.
Tuy nhiên, trong cùng ngày, đại diện của Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Thiếu tá Phạm Quang Huy, cũng đã được trang infonet.vn dẫn lời nói cách hiểu trên là "sai nội dung của văn bản".
"Văn bản 1042 nhằm mục đích xử lý hành vi giả danh nhà báo, chứ không quy định cấm phóng viên, báo chí tác nghiệp," ông Huy nói.
"Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đối với CSGT phải đề cao tinh thần cảnh giác với các đối tượng xấu cố tình lăng mạ, chửi bới CSGT hoặc đe dọa, hành hung rồi cán bộ, chiến sỹ nào không giữ, kìm nén được là quay phim chụp ảnh để đe dọa, tống tiến chứ không có ý gì khác."
'Cần tách biệt'
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 20/8, luật sư Phạm Vĩnh Thái từ Hội Luật gia TP HCM, cho rằng việc ghi hình CSGT mà không có sự đồng ý là xâm phạm quyền cá nhân.
"Luật pháp bảo vệ quyền bí mật, riêng tư của cá nhân, trong đó có việc là khi chưa có sự thỏa thuận, đồng ý của cá nhân thì người ta không được quay phim hoặc ghi hình," ông Thái nói.
Tuy nhiên ông Thái cũng cho biết "để tố giác một trường hợp sai trái, thì không thấy ai cấm."
Trái với ý kiến của luật sư Thái, luật sư Huỳnh Kim Ngân từ Đoàn Luật sư TP HCM thì cho rằng việc ghi hình CSGT làm nhiệm vụ là không trái pháp luật.
"Quay xong anh dùng nó vào mục đích gì thì nó mới phát sinh hậu quả pháp lý sau đó."
"Khi ghi hình CSGT đang vi phạm luật thì đó là chứng cứ. Còn chứng cứ có được cơ quan nhà nước chấp nhận hay không thì đó là chuyện khác."
Luật sư Ngân cũng cho là cần tách biệt giữa "giả danh nhà báo" và "ghi hình CSGT":
"Những quy định đó cần cụ thể hơn nữa."
"Giả danh nhà báo là vi phạm pháp luật, không có nghĩa là tất cả những người ghi hình công an giao thông là giả danh nhà báo."
"Hai vế đó hoàn toàn khác nhau."
Tố giác vi phạm
"Giả danh nhà báo là vi phạm pháp luật, không có nghĩa là tất cả những người ghi hình công an giao thông là giả danh nhà báo"
Luật sư Huỳnh Kim Ngân |
Trong những năm gần đây, sự phát triển của mạng xã hội đã khiến việc tố giác sai phạm của CSGT trở nên dễ dàng hơn.
Nhiều đoạn video ngắn quay lại sai phạm của CSGT của người dân, sử dụng điện thoại cầm tay, đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội như Facebook hoặc Youtube.
Chỉ cần gõ cụm từ 'CSGT đánh người' hoặc 'CSGT vi phạm' lên Google sẽ đem lại khoảng nửa triệu video trong kết quả tìm kiếm, trong đó hầu hết là video tự quay được đăng tải trên YouTube.
Những ứng dụng giúp đăng tải và chia sẻ những video này một cách dễ dàng khiến chúng có sức lan tỏa nhanh chóng và trên diện rất rộng. Có những video thu hút từ một triệu đến hơn hai triệu lượt xem.
theo bbc