Về xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) hỏi xóm đi câu ở đâu, hầu như ai cũng biết và chỉ ngay về thôn Sâm Linh Đông. Có lẽ vì xóm này có nhiều “vua đi câu” ngang dọc vùng biển Quảng Nam như lời người dân ở đây khẳng định.
Giữ nghề
Xóm câu lặng lẽ nép mình dưới những bóng dừa với sự yên bình vốn có của một làng biển. Người dân xóm câu kể lại rằng, ngày xưa cha ông họ từ Hội An vào đây lập nghiệp rồi mưu sinh bằng chính nghề câu mang theo. Ngày mới lập xóm, xóm câu chỉ hơn chục nóc nhà, nhà nào cũng có chiếc ghe và các thành viên trong gia đình trở thành bạn câu với nhau. Sau mỗi chuyến biển, họ mang cá bán cho các lái buôn.
Với tài năng của mình, người làng dần khẳng định vị thế nghề, được cư dân vùng biển các xã Tam Quang, Tam Giang, Tam Hải… mệnh danh là “vua nghề câu”. Xóm câu bây giờ có hơn 30 hộ làm nghề và vẫn giữ truyền thống “cha truyền con nối”. Nhiều thanh niên về làm rể xóm câu cũng theo học và rành nghề chẳng khác gì dân “gốc”.
Ông Hồ Văn Nương và con trai diễn giải cách thả lưỡi câu và phao tiêu.
Nhiều bậc cao niên ở đây khẳng định, dọc vùng biển xứ Quảng khó tìm ra xóm câu nào khác. Theo người dân trong làng, hiện chỉ còn có thêm một xóm câu ở tận vùng biển Sa Cần của Quảng Ngãi. Chúng tôi hỏi vì sao chẳng xóm làng nào ven biển thích làm nghề này, họ chỉ trả lời đơn giản: “Khổ và khó”.
Ngư dân Hồ Văn Nương chia sẻ: “Trong tất cả nghề sống dựa vào biển cả, có lẽ nghề câu khổ nhất. Bốn giờ chiều xuất phát đi ra cách bờ 30 hải lý, đến 3 giờ sáng hôm sau bắt đầu thả rải giàn câu. Bủa liên tục đến 8 giờ tối mới nghỉ tay ăn cơm, tranh thủ nghỉ ngơi rồi đến 3 giờ sáng hôm sau nữa làm lại. Làm xoay vòng liên tiếp 3 ngày liền như thế mới vào bờ”.
Tiếp lời ông Nương, ngư dân Huỳnh Tiệu tâm sự: “Bây giờ làm nghề câu còn có ít nhiều để tích lũy chứ thời ông nội, ông cha tôi thì chỉ đủ sống qua ngày. Mùa mưa không ra biển được, cuộc sống thiếu lên thiếu xuống, vất vả trăm bề”.
Bí quyết nghề
Nói về bí quyết để đạt danh hiệu “vua nghề câu” của làng, lão ngư Huỳnh Chỉnh (70 tuổi, ở tổ 1) hớp ngụm nước chè rồi nói: “Tất cả đều dựa vào kinh nghiệm và sự chịu khó. Muốn đi câu trước tiên phải biết nhìn trời, nhìn sao để đoán thời tiết tốt - xấu mà đi cho thuận lợi. Quan trọng nhất phải biết nhìn luồng nước để phán đoán chính xác vị trí có nhiều cá”.
Ông Chỉnh bảo với chúng tôi những kinh nghiệm đó chẳng có sách vở nào ghi chép ra được, ai muốn học thì phải theo ra biển rồi được người đi trước truyền đạt kinh nghiệm từ thực tế hành nghề.
Cũng theo các ngư dân nơi đây, một khâu cũng quan trọng không kém trong nghề là móc mồi và thả lưỡi câu. Để dễ hiểu ông Nương dẫn chúng tôi ra ghe của mình “minh họa” cách câu. Ngồi phía sau ghe cùng mớ mồi là cá cơm, mực con… đôi tay lanh lợi của ông Nương vừa móc mồi vào lưỡi vừa thoăn thoắt thả câu xuống nước, diễn giải: “Một nợp câu 180 lưỡi tôi chỉ mất chưa đến 4 phút, bình quân một phút tôi thả xuống được 40 - 50 lưỡi. Phải vãi câu cho nhanh chứ 1 giàn câu có 200 đến 300 nợp câu. Ngoài ra, cùng lúc còn phải thả các phao tiêu xác định vị trí, nếu không quen sẽ rối ngay, không làm kịp trong khi ghe đang chạy”.
Mỗi chuyến đi câu của ngư dân xóm câu Sâm Linh Đông thường kéo dài 3 - 4 ngày với khoảng 6 bạn câu trên một ghe. Mỗi chuyến biển, sau khi trừ chi phí mỗi ghe có thể lãi từ 10 - 15 triệu đồng. Ngư dân Huỳnh Tiệu cho biết: “Nếu thời tiết tốt, một tháng chúng tôi đi được 5 chuyến, làm liên tục từ tháng 1 đến tháng 7. Những tháng còn lại, dựa vào tình hình thời tiết mà đi”. Ông Nương cho biết, ông đã đóng ghe mới, đầu tư máy tốt hơn để sống bằng nghề câu của cha ông truyền lại.
Theo ĐOÀN ĐẠO (Quảng Nam Online)