Bắc Kinh « chống đối mọi hình thức khủng bố tin học ». Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tái khẳng định như trên trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ John Kerry hôm qua 21/12/2014. Tuy nhiên, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm của Hoa Kỳ lên án Bắc Triều Tiên đánh cắp thông tin mật của hãng phim Sony Pictures.
DR
Thông cáo của bộ Ngoại giao Trung Quốc đề ngày 22/12/2014 ghi rõ lập trường của Bắc Kinh về các vụ tấn công tin học, nhưng không hề đả động đến trường hợp của Bắc Triều Tiên trong vụ tập đoàn làm phim Sony Pictures vừa bị đánh cắp hàng loạt thông tin mật.
Sau khi đã khẳng định trách nhiệm của chính quyền Bình Nhưỡng trong vụ tấn công Sony, hôm qua, 21/12/2014, tổng thống Barack Obama đã tỏ ra dè dặt hơn khi cho rằng, vụ tấn công nhắm vào Sony không phải là « một hành vi khiêu chiến », mà đó là một hình thức « phá hoại, rất tốn kém (…) Nước Mỹ sẽ hết sức thận trọng và sẽ trả đũa một cách xứng đáng ».
Về phần Hoa Kỳ, Washington vận động các nước đồng minh và kể cả Trung Quốc hay Nga phối hợp hành động chống lại các hành vi tấn công trên mạng ở cấp quốc tế.
Nhật Bản, một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ vụ hãng phim Sony Pictures bị tấn công, nhưng tuyệt đối cũng không đả động đến Bắc Triều Tiên. Seoul vào sáng nay cũng cho biết là máy vi tính của một tập đoàn năng lượng hạt nhân Hàn Quốc bị đột nhập nhưng các dữ liệu mật không bị đánh cắp. Seoul không nêu tên Bắc Triều Tiên trong vụ tấn công này.
Tổng thống Hoa Kỳ nêu khả năng đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.
Thứ sáu tuần trước,19/12, đích thân tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cáo buộc Bình Nhưỡng đứng đằng sau các cuộc tin tặc nhắm vào Sony Picture, buộc công ty điện ảnh này phải hủy bỏ việc cho ra rạp bộ phim hài về lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un, nhân dịp Noel theo dự kiến. Hôm qua, 21/12, Bình Nhưỡng đe dọa trả đũa Nhà Trắng, nếu Hoa Kỳ trừng phạt Bắc Triều Tiên về vụ tin tặc này.
Thanh Hà, rfi