Vietbf.com - Vì một Triều Tiên khó bảo, mà Bắc Kinh phải đối diện với nguy cơ từ chính người dân của mình, và cũng chính Triều Tiên đang tạo ra thêm mâu thuẫn lớn với thế giới về vấn đề hạt nhân trên bán đảo cứng đầu này làm Trung Quốc đứng ngồi không yên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng phu nhân Ri Sol Ju tham gia buổi tiệc ngày 13/2 mừng thành công vụ phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh của nước này hôm 7/2. Ảnh: Huanqiu
Xã hội Trung Quốc bức xúc với Triều Tiên
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 15/2 cho hay, dư luận Trung Quốc đang có thái độ "phức tạp chưa từng thấy" đối với Triều Tiên.
Quan điểm "Triều Tiên là bình phong cho Trung Quốc" vốn tồn tại từ thời kỳ quan hệ Trung-Triều tốt đẹp và Trung Quốc tuyên truyền mạnh cho cuộc chiến tranh Triều Tiên mà họ gọi là "kháng Mỹ viện Triều".
Trong khi đó, những hành động gần đây của Bình Nhưỡng bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh và đặt lợi ích của Trung Quốc vào rủi ro, ngày càng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của người Trung Quốc đối với quốc gia láng giềng này.
Theo Hoàn Cầu, một trong những động thái quan trọng nhất trong xã hội Trung Quốc là ngày càng nhiều người dân nước này không còn xem Triều Tiên là một quốc gia hữu hảo.
Luồng ý kiến nói rằng Triều Tiên là gánh nặng của Trung Quốc, thậm chí là "láng giềng xấu", ngày càng được hưởng ứng. Theo đánh giá của các học giả Trung Quốc, tỷ lệ người dân theo quan điểm này hiện chiếm tới 60% hoặc lớn hơn.
Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên nằm gần vùng Đông Bắc Trung Quốc đang tạo ra mối lo ngại lớn cho người dân nước này (Ảnh: Xinhua)
Rủi ro của Bắc Kinh khi chính sách "lệch pha" với dư luận
Hoàn Cầu bình luận, trong lĩnh vực ngoại giao chuyên nghiệp, quan điểm của dư luận về Triều Tiên khó ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao cụ thể của Trung Quốc.
Tuy vậy, xu hướng thay đổi quan niệm này có thể được sử dụng làm cơ sở xây dựng chiến lược ngoại giao mới và cần được chỉ ra như một thực tế không thể phủ nhận.
Sự thay đổi này đang dần tạo ra khác biệt trong môi trường dư luận Trung Quốc về chính sách đối với Triều Tiên, và cũng chuyển hóa thành áp lực thúc giục chính phủ Trung Quốc mạnh tay trừng phạt Bình Nhưỡng.
Đối với Bắc Kinh, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, dù xử lý một cách mềm mỏng hay cứng rắn, đều là lựa chọn khó khăn.
Trong bối cảnh tình hình bán đảo phức tạp như hiện nay, chính sách của chính phủ Trung Quốc ngày càng lộ rõ sự "lệch pha" với thái độ của người dân. Điều này đang đẩy Bắc Kinh vào nguy cơ phải trả "một cái giá chính trị" không nhỏ.
Hoàn Cầu chỉ ra, đại bộ phận người dân Trung Quốc đang cảm thấy bức xúc nhiều hơn với thái độ "đu dây" của chính phủ khi một mặt ủng hộ gia tăng áp đặt trừng phạt Triều Tiên, nhưng mặt khác phải lo "vun vén" quan hệ Trung-Triều.
Trước đây, cách làm này vẫn nhận được sự ủng hộ của dư luận Trung Quốc, nhưng xu hướng quan điểm mới ở nước này đang đòi hỏi các nhà quyết sách hành động quyết liệt, "buộc Bình Nhưỡng phải đau đớn vì dám tự ý hành động".
Thái độ "ghét Triều Tiên" gia tăng trong xã hội Trung Quốc không phải vấn đề thâm căn cố đế, nhưng cho thấy người Trung Quốc đang mất kiên nhẫn với kiểu "giơ cao đánh khẽ" của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 27/1 để thảo luận về một giải pháp của LHQ liên quan đến vụ Triều Tiên thử hạt nhân ngày 6/1, trong khi Bắc Kinh không muốn mạnh tay trừng phạt Bình Nhưỡng ( Ảnh: Reuters)
Hoàn Cầu cho rằng, nếu Bình Nhưỡng không thay đổi chính sách hạt nhân của mình thì sự oán giận của xã hội Trung Quốc đối với nước này sẽ chỉ tích lũy lớn dần theo thời gian.
Tờ này nhận xét, những chỉ trích của phương Tây về việc Trung Quốc "không chịu trừng phạt Triều Tiên", "quá nhu nhược trước Bình Nhưỡng"... đã được một bộ phận lớn người dân thừa nhận.
Ở trong nước, thông tin Trung Quốc tăng quy mô viện trợ Triều Tiên hay "Trung Quốc bơm máu nuôi phe đối lập của chính mình" cũng góp phần tạo nên sự bức xúc của dư luận.
Trong khi đó, các cơ quan chính phủ không giải thích cụ thể những khúc mắc này, mà chỉ tập trung lặp đi lặp lại những tuyên bố cũ kỹ, nếu có thay đổi cũng chỉ là mức độ cứng rắn của các tuyên bố mới.
Cùng với mối quan ngại Bắc Kinh không thể kiểm soát được vấn đề an ninh bán đảo, thực tế Trung tâm hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên nằm rất gần vùng Đông Bắc Trung Quốc đã làm dâng lên lo ngại rằng "nguy cơ tiềm ẩn sắp bùng nổ".
Hoàn Cầu cho biết, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang lan tỏa trên nhiều lĩnh vực và trong tình huống tồi tệ nhất có khả năng làm tổn hại đến lợi ích chính trị trong nước của chính phủ Trung Quốc.
Trong trường hợp đó, đây sẽ không còn là vấn đề của khu vực Đông Bắc Á, thậm chí không còn dừng lại ở "vấn đề ngoại giao", mà sẽ trở thành mối đe dọa mà Bắc Kinh cần sớm chuẩn bị đối sách.