Chưa có món ăn nào lại ẩn chứa sự yêu thương và trọn vẹn tinh túy như canh chua ở miền Nam.
Người miền Nam đều tận dụng mọi nguyên liệu để làm nên những món ăn ngon. Trong số ấy, canh chua bông là nét văn hóa ẩm thực vô cùng đặc trưng của miền Nam.
Nếu có món canh vừa đẹp mắt vừa hấp dẫn với màu tím biêng biếc dịu nhẹ, người ta nghĩ ngay đến bông lục bình. Lục bình còn gọi là bèo tây, nổi trên mặt nước mé sông hoặc trôi lênh đênh theo dòng nước. Lục bình thường ra hoa vào mùa gió chướng, cọng mềm, chỉ cần tách nhẹ là bông rời khỏi cuống. Bông lục bình sạch nên khi hái về, chỉ cần rửa sơ rồi giũ cho ráo nước.
Canh chua bông lục bình có thể nấu với trái giác, trái bần cùng với cá, nhưng độc đáo nhất là nấu với trứng kiến và lươn. Kiến vàng thường làm ổ lủng lẳng trên cây mọc hoang, dùng cây thọc cho trứng rớt vào rổ. Bắc nồi nước sôi, đem nhúng rổ trứng kiến vào cho ra hết vị chua, vớt sạch xác trứng rồi thả vài khúc lươn vào, chờ lươn chín, thả tiếp bông lục bình vào đảo đều rồi nhắc xuống. Có thể thêm bông súng và rắc thêm ngò gai, ngò om cho tròn vị. Tuy đơn giản, mộc mạc nhưng vị ngọt thanh của bông hòa quyện với hương vị độc đáo của lươn, khiến thực khách càng ăn càng sảng khoái.
Bông so đũa cũng xuất hiện trong món canh chua từ lâu đời của người dân miệt vườn. Cây so đũa dễ mọc dễ trồng, cứ độ cuối năm là nở bông trắng cành. Bông so đũa thường được hái vào buổi sớm tinh sương, lúc bông còn tươi và đầy đủ “tinh khí” nhất mới ngon ngọt. Chế biến bông so đũa quả là kỳ công, người ta phải lặt từng bông, bỏ đài, cuống và nhụy hoa cho bớt đắng, khi rửa phải nhẹ tay để tránh bầm giập.
Có thể nấu canh chua bông so đũa theo nhiều kiểu khác nhau. Khi thì cá rô đồng nấu với cơm mẻ, hay cá hú béo ngậy nấu với me. Nhưng dân dã nhất là nấu với tôm đất. Con tôm đất có vị ngọt đậm đà, màu đỏ cam đẹp, cắt râu và đuôi, để ráo. Phi dầu với ít hành cho thơm rồi trút tôm vào xào săn. Nấu nước sôi với me, lọc bỏ bã, thêm vài quả cà chua cho đậm vị, thả tôm, nêm nếm xong mới cho bông so đũa vào. Vị nhân nhẫn và giòn ngọt của bông so đũa tạo nên một vị lạ rất ngon miệng, khó quên.
Mỗi năm một lần, khi nước tràn bờ là mùa hoa điên điển về. Nếu có dịp đến miền Nam vào mùa nước nổi, nhất định bạn phải thử món canh chua bông điên điển. Có lẽ thiên nhiên khéo xếp đặt nên mùa này cá linh cũng theo nước lũ về, béo ngậy. Bông điên điển nấu với cá gì cũng ngon, nhưng khi “se duyên” với cá linh mới là món để đời. Tuy mộc mạc nhưng lẩu chua cá linh bông điên điển đã xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng đặc sản.
Bí quyết để nấu canh chua bông ngon là phải chờ nước thật sôi mới thả bông vào, đảo đều là nhắc xuống ngay, để bông chín rục sẽ mất độ giòn và vị ngọt đặc trưng. Tuy cách chế biến khá giống nhau, nhưng hương vị mỗi loài bông đều khác biệt. Dù nấu bằng nguyên liệu bông gì, ăn canh chua đúng điệu là có chén nước mắm nguyên chất dằm thêm vài trái ớt hiểm. Vừa ăn vừa hít hà mới hấp dẫn.
VietBF© Sưu tập