Sáng qua 29/11, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tuyên bố thành công. Giới quân sự nước này tiết lộ rằng, vụ phóng tên lửa đạt được thành công là nhờ công nghệ hồi quyển đầu đạn. Tên lửa đạn đạo này được phóng đi từ một thiết bị mới được phát triển.
Màn hình lớn đặt ở ngoài trời tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản chiếu bản tin về vụ phóng tên lửa sáng 29/11 của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa này và mô tả bệ phóng tên lửa mới là “hoàn hảo” và là “bước đột phá” trong chương trình tên lửa của Triều Tiên.
Cũng theo truyền thông Triều Tiên, đầu đạn của tên lửa ICBM do nước này phát triển có thể chịu được áp suất trong quá trình bay trở lại bầu khí quyển của Trái đất.
Trong thông báo chính thức phát trên kênh truyền hình nhà nước, Triều Tiên cho biết đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 có thể mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn với khả năng tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố nước này đã đạt được năng lực hạt nhân toàn diện.
Triều Tiên cho biết tên lửa Hwasong-15 đã bay cao khoảng 4.475 km, gấp hơn 10 lần so với độ cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế. Cũng theo Bình Nhưỡng, tên lửa mới nhất đã bay xa 950 km trong khoảng thời gian là 53 phút. Những thông tin do Triều Tiên đưa ra cũng gần như trùng khớp với các con số mà quân đội Hàn Quốc tính toán được sau khi phát hiện Bình Nhưỡng phóng tên lửa.
Nếu tên lửa do Triều Tiên phóng đi trong vụ thử mới nhất thực sự là Hwasong-15 thì đây sẽ là bước phát triển mới trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng. Trước đó, Triều Tiên mới chỉ phóng thử các tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 đời cũ hoặc tên lửa tầm trung Hwasong-12.
Mặc dù Triều Tiên tuyên bố đạt được thành công trong công nghệ hồi quyển tên lửa nhưng nhiều chuyên gia hạt nhân nghi ngờ Bình Nhưỡng vẫn chưa thể vượt qua tất cả các rào cản kỹ thuật, bao gồm việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn trên lửa đạn đạo liên lục địa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể sớm hoàn thiện công nghệ này.
Chuyên gia David Wright nhận định nếu bay ở quỹ đạo chuẩn thay vì phóng ở góc độ cao, tên lửa do Triều Tiên phóng đi sáng 29/11 sẽ có tầm bắn hơn 13.000 km. Theo đó, tên lửa này hoàn toàn đủ khả năng vươn tới thủ đô Washington hoặc bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ.
VietBF © sưu tập