Loại bỏ mỡ nội tạng trước đến nay ai cũng cho là khó nhất. Làm thế nào để giảm mà không phải can thiệp dao kéo?
Bạn đọc Phùng Quốc Tuấn (42 tuổi, ngụ tỉnh Nam Định) hỏi: Trong một lần kiểm tra sức khỏe, nhân viên tư vấn nói cơ thể tôi hơi nhiều mỡ nội tạng, cần giảm mỡ trong khi tôi không phải là người béo. Vậy mỡ nội tạng có nguy hiểm không, tôi phải loại bỏ chúng như thế nào?
- Bác sĩ Phạm Thị Thúy, Bệnh viện Nội tiết trung ương, trả lời: Mỡ nội tạng là phần mỡ thừa được tích tụ ở những nội tạng quan trọng của cơ thể như tim, gan, tuyến tụy và ruột. Để phát hiện mỡ nội tạng, có thể thực hiện siêu âm và xét nghiệm máu. Lượng mỡ này tích tụ ở mức cao hơn ngưỡng bình thường sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe như: rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp, tim mạch (nhồi máu cơ tim), tiểu đường, giãn tĩnh mạch, thậm chí là ung thư.
Ảnh Internet
Những người bị mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn chuyển hóa và lối sống ít vận động là những người có nguy cơ cao bị thừa mỡ nội tạng. Do đó, để giảm lượng mỡ này, cần chế độ ăn uống lành mạnh và dành thời gian để tập thể dục thường xuyên. Tốt nhất nên giảm tiêu thụ mỡ động vật và các chất béo thực vật tương tự (dầu dừa); giảm tiêu thụ đồ uống có cồn. Loại bỏ các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao vì chúng sẽ làm tăng đáng kể hàm lượng đường trong máu, tăng sự tổng hợp insulin, dẫn đến việc hình thành chất béo dư thừa. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây.
VietBF © sưu tầm