Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các phái đoàn khi tới Iraq sẽ không thảo luận về việc rút quân mà chỉ đưa ra khuyến nghị tốt nhất đối với yêu cầu từ phía Iraq.
"Bất cứ phái đoàn nào được cử tới Iraq sẽ thảo luận các khuyến nghị tốt nhất với đối tác chiến lược của chúng tôi, về vị thế phù hợp và đúng đắn của quân đội Mỹ tại Trung Đông, không bàn về vấn đề rút quân", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói trong cuộc họp báo tại Washington D.C. hôm nay.
Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi yêu cầu Mỹ gửi phái đoàn tới chuẩn bị cho quá trình rút quân trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 9/1. Iraq thu hồi cam kết hỗ trợ liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau vụ không kích hạ sát thiếu tướng Iran Qassem Soleimani tại Baghdad.
"Lực lượng Mỹ mang lại những điều tốt đẹp cho Trung Đông. Chúng tôi muốn trở thành bạn và đối tác với một Iraq có chủ quyền, thịnh vượng và ổn định", phát ngôn viên Ortagus nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: CNN.
Mỹ phát động cuộc chiến nhằm vào Iraq năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein nhưng khiến quốc gia Trung Đông rơi vào xung đột. Quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Iraq tháng 12/2011 theo lệnh của cựu tổng thống Obama, song sau đó quay lại năm 2014 để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng theo đề nghị của chính phủ nước này.
Các nhà lập pháp Iraq giận dữ vì Mỹ không kích hạ sát tướng Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRCG) cùng một chỉ huy dân quân Iraq hôm 3/1. Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại quốc gia này sau cuộc bỏ phiếu trong phiên họp bất thường ngày 5/1.
Khoảng 5.200 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Iraq để huấn luyện và hỗ trợ quân đội nước này ngăn IS trỗi dậy. Iran phóng tên lửa nhằm vào hai căn cứ của Iraq nơi có lính Mỹ đồn trú là al-Asad và Irbil ngày 8/1 để báo thù cho tướng Soleimani. Mỹ thông báo không có thương vong trong vụ tập kích và sẵn sàng tìm kiếm hòa bình với Iran.
VietBF © sưu tầm