Mới đây hnh vệ tinh mới phơi bày các công trình của Trung Quốc mới được xây dựng gồm lều bạt ngụy trang, các cấu trúc dựa vào vách đá và một cấu trúc được cho là trại mới đang được xây dựng gần đó với tường hoặc rào chắn tại thung lũng Galwan thuộc dãy Himalaya.
Đây cũng là nơi xảy ra vụ đụng độ chết người giữa quân đội Trung - Ấn hôm 15/6. Các ảnh vệ tinh này chụp ngày 22/6 được công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies của Mỹ cung cấp, Reuters cho biết hôm 25/6.
Các công trình mới được xây dựng gồm lều bạt ngụy trang, các cấu trúc dựa vào vách đá và một cấu trúc được cho là trại mới đang được xây dựng gần đó với tường hoặc rào chắn. Cấu trúc này không xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp ngày 22/5.
Chuyên gia Nathan Ruser thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định rằng hoạt động xây dựng này cho thấy hai bên ít khả năng xuống thang căng thẳng.
Ảnh vệ tinh mới nhất ngày 22/6 cho thấy một cơ sở của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở thung lũng Galwan. Ảnh: Reuters.
Ảnh vệ tinh còn cho thấy phía Ấn Độ đã dựng hàng rào phòng thủ ở phía bên kia sông, đối diện nơi Trung Quốc xây dựng các công trình mới. Hàng rào này không xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp vào tháng trước. Tuy nhiên, một tiền đồn của Ấn Độ gần đó lại thu hẹp so với hồi tháng 5.
Theo ông Ruser, các dữ liệu cho thấy số lượng cấu trúc/lều trại và phương tiện của Trung Quốc nằm trong phạm vi 1 km của Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa biên giới Trung - Ấn tăng từ 3 lên 46 đơn vị trong tháng qua, tương đương mức tăng 1.500%.
Trong cùng khoảng thời gian này, số lượng công trình của Ấn Độ giảm từ 84 xuống còn 17, tương đương mức giảm 80%.
Các cấu trúc mới xuất hiện sát sông Galwan, gần nơi xảy ra vụ ẩu đả chết người giữa binh sĩ Ấn - Trung. Ảnh: Maxar Technologies.
Vài ngày sau vụ đụng độ khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, chỉ huy quân đội hai nước đã nhất trí ngừng giao tranh ở khu vực biên giới. Song các hình ảnh vệ tinh mới nhất chỉ ra nguy cơ sụp đổ thoả thuận ngừng xung đột này.
South China Morning Post dẫn thông tin từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS tại Anh), hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Ấn Độ và Trung Quốc đều điều động thêm quân dọc theo LAC.