Một số người trong giới ngoại giao Trung Quốc cho rằng chính sách "chiến lang" quá gay gắt, khiến các quan chức gần đây dịu giọng hơn.
Vài tháng qua, đội quân ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc công khai chỉ trích, đấu khẩu gay gắt với các đối thủ trên mọi mặt trận, từ mạng xã hội, báo chí, truyền hình cho tới bàn đàm phán. Sự xuất hiện của đội quân này đánh dấu bước ngoặt lớn cho đội ngũ ngoại giao thường nổi tiếng là thận trọng và kín kẽ của Trung Quốc.
Chính sách ngoại giao "chiến lang" được đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng của Trung Quốc, trong đó các binh sĩ quân đội nước này thực hiện hàng loạt chiến dịch táo bạo trên toàn cầu.
Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với chính quyền Trung Quốc cho biết đang có tranh luận trong cộng đồng ngoại giao nước này về mức độ hiệu quả của cách tiếp cận "chiến lang", khi một số người lo ngại chính sách có nguy cơ khiến Trung Quốc bị phần còn lại của thế giới xa lánh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.
Những tranh luận nội bộ này là một phần của cuộc thảo luận rộng hơn về cách xử lý mối quan hệ với Mỹ, vốn đã rơi tự do trong năm nay và dự kiến còn xấu đi trước bầu cử Mỹ vào tháng 11.
Nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chịu áp lực cần "phát huy tinh thần cứng rắn" nhưng cũng có những lời kêu gọi nội bộ thúc giục đánh giá lại ngoại giao "chiến lang".
Ông cho biết một số người không ủng hộ cách các nhà ngoại giao Trung Quốc ở nước ngoài phản ứng quyết liệt với những lời chỉ trích, một số người bị nhận xét là quá nặng tính dân tộc chủ nghĩa. "Các nhà ngoại giao nên giữ thái độ điềm tĩnh, trung lập, không mỉa mai, và tránh những biểu hiện quá gay gắt", nguồn tin nói.
"Chúng tôi cần các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, những người có kinh nghiệm và tinh thông trong việc truyền đạt lập trường của Trung Quốc trong khi đang có căng thẳng với các nước khác", nguồn tin nói và nhấn mạnh Trung Quốc nên theo đuổi đối thoại với Washington để tránh những tính toán sai lầm và ngăn quan hệ song phương sụp đổ.
Nhà ngoại giao "chiến lang" nổi bật nhất là Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên trẻ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hồi giữa tháng ba, ông thúc đẩy thuyết âm mưu trên Twitter rằng quân đội Mỹ có thể đã đưa nCoV đến Vũ Hán. "Hãy minh bạch! Hãy công khai dữ liệu của các ông đi! Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích", ông Triệu viết bằng tiếng Anh trên tài khoản Twitter của mình. Mỹ đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Washington để phàn nàn về các dòng tweet của ông Triệu.
Tại Paris, đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã bị Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập để giải thích về bình luận trên trang web sứ quán rằng Pháp đã bỏ mặc người già chết vì nCoV tại các viện dưỡng lão.
Các bình luận của họ phù hợp với chỉ thị yêu cầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc "nâng cao tinh thần và kỹ năng công kích". Những chỉ dẫn đó không chỉ áp dụng cho vấn đề liên quan đến Covid-19, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với Mỹ về nhiều vấn đề như chính trị, tình báo và an ninh.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, giọng điệu của quan chức Trung Quốc đã dịu đi. Ngoại trưởng Vương Nghị và cố vấn ngoại giao hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Dương Khiết Trì, đã đưa ra các bình luận mang tính hòa giải với Mỹ, kêu gọi đối thoại để tìm ra các giải pháp và lộ trình cho quan hệ song phương. Họ cũng chỉ chỉ trích "số ít chính trị gia" Mỹ mà họ cho rằng "cố tình làm suy yếu quan hệ song phương để phục vụ lợi ích riêng".
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành ngày 12/8 kêu gọi nỗ lực ngăn quan hệ Mỹ - Trung xấu đi trong vài tháng tới và nhấn mạnh ông sẵn sàng đối thoại với Washington bất cứ lúc nào, dù vấn đề có khó khăn và phức tạp đến đâu.
Các nhà nghiên cứu và cố vấn hàng đầu của Bắc Kinh cảnh báo rằng việc thúc đẩy quyết liệt chủ nghĩa dân tộc sẽ chỉ đẩy thế giới ngày càng xa Trung Quốc.
Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, nói trong một hội thảo trực tuyến vào tháng 5 rằng những bình luận gay gắt không phù hợp với sự phức tạp của các vấn đề quốc tế và chúng được đưa ra "quá vội vàng, quá sớm và quá ồn ào".
Wang Yizhou, hiệu phó trường nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc nên có đánh giá thích hợp về điểm mạnh và điểm yếu của chính mình.
Wang cho biết mối nguy hiểm lớn nhất không nằm ở một vài vấn đề căng thẳng cụ thể hoặc nguy cơ đoạn tuyệt quan hệ với nước khác, mà nằm ở việc Trung Quốc không tự nhận ra điểm yếu của mình.
"Chúng tôi cần kết hợp quyền lực cứng của sức mạnh với quyền lực mềm của sự khôn ngoan và chiến lược để tránh phản ứng cảm tính với Mỹ, đồng thời đánh giá rõ ràng và chính xác về bản thân mình", ông nói.