Thờ Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin tàu sân bay Sơn Đông sẽ xuống căn cứ Du Lâm sau đợt huấn luyện dài gần một tháng ở Bột Hải. Du Lâm nằm ở cực nam đảo Hải Nam, hướng thẳng ra Biển Đông.
Tàu sân bay Sơn Đông ở cảng Đại Liên của Trung Quốc cuối tháng 8-2020 - Ảnh: Weibo
Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh mua từ Ukraine. Theo Hoàn Cầu Thời Báo ngày 3-9, cả hai tàu sân bay này đều đã ra biển huấn luyện cùng lúc hồi đầu tuần này, đánh dấu lần diễn tập tàu sân bay lớn chưa từng có của Trung Quốc.
Rút kinh nghiệm từ tàu Liêu Ninh, tàu Sơn Đông có nhiều cải tiến và được trang bị máy bay chiến đấu J-15 thế hệ mới. Các hình ảnh rò rỉ trên mạng cho thấy tàu Sơn Đông rời cảng Đại Liên ngày 1-9 với mô hình tiêm kích J-15 và trực thăng Z-8 trên boong.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, đợt huấn luyện kéo dài tới hết tháng 9 lần này sẽ kiểm tra khả năng tích hợp máy bay chiến đấu của tàu Sơn Đông. Trung Quốc được cho là đã phát triển thành công một loại sơn mới giúp máy bay trên tàu sân bay không bị ăn mòn khi hoạt động trên biển.
Một "chuyên gia quân sự giấu tên" của tờ này cho biết tàu Sơn Đông có thể tới thẳng căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam sau khi kết thúc huấn luyện. Một chuyên gia khác thì cho rằng tàu sẽ ghé cảng Đại Liên ở Liêu Ninh để điều chỉnh một số thứ trước khi ra Biển Đông.
Tàu sân bay Sơn Đông được biên chế vào hải quân Trung Quốc trong một buổi lễ long trọng có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, do thiếu ụ bảo dưỡng và máy bay chiến đấu, con tàu dành phần lớn thời gian ở cảng Đại Liên.
Li Jie, một chuyên gia hải quân Trung Quốc, cho rằng đưa tàu Sơn Đông xuống Hải Nam là để tạo thế gọng kìm với đảo Đài Loan và bảo vệ eo biển Malacca trong trường hợp cần thiết.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc vừa công bố hồi đầu tuần này cảnh báo Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Lầu Năm Góc cũng dự đoán tàu sân bay Sơn Đông sẽ được đưa tới Hải Nam, án ngữ vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Lầu Năm Góc, hưởng lợi thế từ các thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, Trung Quốc đang hướng tới nâng cao năng lực "viễn chinh". Các nước trong khu vực có thể sẽ sớm thấy sự xuất hiện ngày càng tăng của tàu sân bay, tên lửa diệt hạm và thủy quân lục chiến Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.
Báo cáo nêu rõ chỉ trong vòng một năm qua, thủy quân lục chiến Trung Quốc đã tăng thêm ít nhất 6 lữ đoàn, nâng tổng số lên 8 lữ đoàn vào thời điểm hiện tại. Lực lượng này đã tiến hành nhiều cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong cùng năm.
Mặc dù vậy, báo cáo của Lầu Năm Góc cũng cho biết chỉ có 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến Trung Quốc được trang bị phù hợp và đủ sức bảo vệ các thực thể bị nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
VietBF@sưu tập