Trong 24h qua, thế giới ghi nhận 82.989.592 ca nhiễm và 1.809.971 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 742.455 và 15.547, trong khi 58.737.999 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers. WHO thúc giục các quốc gia đảm bảo vaccine được cung cấp cho những người có nguy cơ ở khắp mọi nơi, không chỉ ở các nước giàu.
Cụ ông 88 tuổi tiêm vaccine Covid-19 tại Florida ngày 30/12. Ảnh: AFP.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 244.195 ca nhiễm và 3.976 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 20.172.916, trong đó 349.976 người chết.
Mỹ hôm 29/12 phát hiện ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên tại bang Colorado. Một ngày sau, California ghi nhận ca nhiễm thứ hai. Các chuyên gia cho rằng chủng mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn bản gốc.
Niềm hy vọng giờ đây được đặt vào vaccine Covid-19. Mỹ đã đặt mua thêm 100 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech và hàng dự kiến được giao trước 31/7/2021, nâng tổng số liều vaccine nước này mua của Pfizer-BioNTech lên 200 triệu, với giá trị hợp đồng gần 4 tỷ USD. Tổng thống đắc cử Joe Biden, Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đều đã tiêm vaccine trước công chúng để trấn an người dân về độ an toàn của vaccine.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 21.957 ca nhiễm và 299 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.267.283 và 148.774.
Giới chức Ấn Độ hôm 30/12 cho biết nước này đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm nCoV chủng mới trở về từ Anh, nói thêm rằng đã tiến hành cách ly và truy vết. Ấn Độ đã đình chỉ tất cả chuyến bay từ Anh cho đến cuối tháng do lo ngại chủng mới này, nhưng khoảng 33.000 hành khách đã bay đến từ cuối tháng 11, trước khi lệnh cấm được thực thi.
Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết lệnh cấm các chuyến bay từ Anh có thể vẫn được duy trì vào năm mới. Trong khi các số liệu Covid-19 đang có dấu hiệu khả quan hơn, giới chức y tế Ấn Độ dự kiến bắt đầu đợt tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người từ đầu tháng sau.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.159 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 193.875. Số người nhiễm nCoV tăng 55.083 ca trong 24 giờ qua, lên 7.619.200.
Tình hình Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này chưa có dấu hiệu suy giảm, buộc giới chức thành phố Rio de Janeiro, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, quyết định chặn lối vào các bãi biển vào ngày 31/12 nhằm ngăn đám đông tổ chức ăn mừng đêm giao thừa.
Với áp lực bủa vây Tổng thống Jair Bolsonaro về việc bắt đầu tiêm chủng cho người dân, chính phủ Brazil hôm 29/12 kêu gọi các nhà sản xuất vaccine Covid-19 tăng tốc đăng ký phê duyệt sử dụng vaccine tại nước này. Thứ trưởng Y tế Brazil Elcio Franco cam kết cải thiện đối thoại với Pfizer, sau khi hãng dược phẩm Mỹ phàn nàn về những thủ tục khó khăn khi đăng ký cấp phép.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 26.513 ca nhiễm nCoV và 599 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.131.550 và 56.426.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nga Tatiana Golikova hôm 28/12 cho biết "hơn 81%" số ca tử vong gia tăng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái là do Covid-19, đồng nghĩa với việc hơn 186.000 người Nga đã chết vì đại dịch, gấp ba lần số ca tử vong được công bố.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều tháng đã tự hào về tỷ lệ tử vong do nCoV thấp. Ông chủ Điện Kremlin hồi đầu tháng còn khẳng định Nga kiểm soát đại dịch "tốt hơn" so với các nước phương Tây. Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bùng phát, một số chuyên gia Nga đã hoài nghi chính phủ đang cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Nga đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V như một phần của chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao, trong khi thử nghiệm giai đoạn ba tiếp tục diễn ra song song ở thủ đô. Nga hôm 26/12 cũng chấp thuận tiêm vaccine Sputnik V cho người trên 60 tuổi bắt đầu từ năm 2021.
Bộ trưởng Công nghiệp Denis Manturov cho biết Nga đã sản xuất tổng cộng hơn 2 triệu liều Sputnik V và phân phối một triệu liều trong nước trước khi kết thúc năm 2020.
Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 26.457 ca nhiễm và 303 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.600.498 và 64.381. Pháp hôm 25/12 ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên, là một công dân Pháp sống ở Anh.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm qua cho biết nước này sẽ tạm thời không áp đặt lệnh phong tỏa mới, nhưng có thể sớm kéo dài thời gian giới nghiêm tại khu vực phía đông, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.
Pháp đã trải qua hai đợt phong tỏa, nhưng số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn không hạ xuống dưới 5.000 như mục tiêu của chính phủ. Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 đã bắt đầu tại Pháp từ hôm 27/12.
Anh, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, ghi nhận 2.432.888 ca nhiễm và 72.548 ca tử vong, tăng lần lượt 50.023 và 981 trường hợp. Tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng nCoV mới, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.
Giới chức y tế Anh cảnh báo nước này đang "trở lại tâm bão" Covid-19, với số bệnh nhân nhập viện nhiều tương đương giai đoạn cao điểm hồi tháng 4. Chính quyền áp đặt biện pháp hạn chế Cấp 4 - cấp gắt gao nhất tại London và hầu hết các vùng tây nam, trung tâm, tây bắc và đông bắc của nước Anh, tác động đến 44 triệu người, tức 3/4 dân số. Người dân được yêu cầu ở nhà, cửa hàng không thiết yếu, tiệm làm tóc cũng như cơ sở giải trí phải đóng cửa.
Gần như toàn bộ phần còn lại của đất nước bị áp đặt hạn chế Cấp 3, đóng cửa không gian ngồi trong nhà của các quán bar và giao lưu ngoài trời giữa các hộ gia đình.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 55.095 người chết, tăng 149, trong tổng số 1.218.753 ca nhiễm, tăng 6.108.
Iran hôm 29/12 khởi động giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đối với loại vaccine Covid-19 do nước này tự phát triển, bằng việc tiến hành tiêm cho ba người trên truyền hình. Nhóm tình nguyện viên này bao gồm hai quan chức cấp cao và con gái chủ tịch Tập đoàn EIKO, nhà tài trợ cho dự án vaccine.
Truyền thông Iran cho biết trong giai đoạn đầu tiên này, 56 tình nguyện viên sẽ được tiêm vaccine Covid-19, với hai liều cách nhau hai tuần. Kết quả sẽ được công bố 28 ngày sau mũi tiêm thứ hai. Ngoài ra, Iran đang phát triển một loại vaccine khác, đồng thời đặt khoảng 16,8 triệu liều thông qua Covax, cơ chế phân phối vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập.
Iran cáo buộc những lệnh trừng phạt của Mỹ đã cản trở họ tiếp cận vaccine. Dù thực phẩm và thuốc là những mặt hàng được miễn trừ về mặt lý thuyết, các ngân hàng quốc tế có xu hướng từ chối những giao dịch liên quan đến Iran.
Hàn Quốc ghi nhận 1.048 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số lên 59.773, trong đó 879 ca tử vong, tăng 20 ca so với hôm trước. Đây là mức tăng kỷ lục về số người chết vì Covid-19 trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở Hàn Quốc.
Theo một số nhà quan sát, số ca tử vong tăng cao cho thấy tình hình lây nhiễm tại các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc dài hạn, nơi lưu trú của người cao tuổi gặp vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đang trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, một ổ dịch gây lây nhiễm hàng loạt đã bùng phát tại một nhà tù ở Seoul.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết hơn 500.000 xét nghiệm đã được tiến hành tại các trung tâm xét nghiệm tạm thời ở vùng đô thị Seoul trong hai tuần qua, trong đó 1.400 người được xác định dương tính nCoV. "Chúng tôi đã đạt tiến bộ trong việc tìm ra những ca lây nhiễm thầm lặng và ngăn chặn sự lây lan", ông nói.
Chính phủ Hàn Quốc tuần này bổ sung các hạn chế mới như cấm tụ tập trên 4 người, đồng thời đình chỉ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, các môn thể thao du lịch, nhằm ngăn chặn virus lây lan trong dịp Giáng sinh và năm mới. Nước này cũng tuyên bố đẩy nhanh công tác tiêm chủng Covid-19, sau khi phát hiện ra những ca đầu tiên của biến chủng nCoV liên quan đến Anh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 735.124 ca nhiễm, tăng 8.002, trong đó 21.944 người chết, tăng 241. Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm 29/12 cho biết nước này đang hoàn tất các thoả thuận mua 50 triệu liều vaccine Covid-19 từ Pfizer và AstraZeneca.
Hợp đồng với AstraZeneca sẽ được ký trước cuối năm nay, trong khi hợp đồng với Pfizer sẽ được ký vào tuần đầu tiên của tháng 1/2021. Ông Sadikin nói thêm rằng 1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước. 500 người trong số họ đã tử vong vì Covid-19.
Philippines báo cáo 472.532 ca nhiễm và 9.230 ca tử vong, tăng lần lượt 1.014 và 68 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello hôm 29/12 thông báo nước này cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 20 quốc gia xuất hiện chủng nCoV mới liên quan đến Anh, nhưng không nêu rõ thời điểm lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực. Yêu cầu không áp dụng với công dân Philippines trở về từ những quốc gia này.
Chính phủ Philippines đã chấp thuận đơn xin thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 do công ty Janssen Pharmaceuticals của nước này phát triển. Bên cạnh đó, đơn xin thử nghiệm của hai công ty Trung Quốc Sinovac và Sichuan Clover Biopharmaceuticals, cùng đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer vẫn đang được xem xét.
Thái Lan ghi nhận thêm 250 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 6.690, trong đó 61 người chết. .
Thủ đô Bangkok hôm qua yêu cầu đóng cửa các địa điểm thể thao và giải trí đến ngày 4/1. Lệnh cấm này có khả năng kéo dài hơn nếu tình hình Covid-19 không được cải thiện trong một tuần tới. Những điểm nóng Covid-19 khác, bao gồm tỉnh Tak, Samut Sakhon và Rayong, cũng áp dụng biện pháp hạn chế tương tự. Ngày 30/12, Thái Lan ra lệnh cấm tụ tập đông người tổ chức sự kiện trong dịp năm mới.
Làn sóng Covid-19 mới tại Thái Lan bắt nguồn từ một chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon, gần thủ đô Bangkok. Giới chức nước này cho rằng có thể cần tới những biện pháp hạn chế quyết liệt hơn, như đã áp dụng hồi đầu năm, để duy trì số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 1.000.
Singapore ngày 30/12 bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 của Pfizer, ưu tiên nhân viên y tế, người cao tuổi. Chính phủ dự kiến có đủ vaccine cho 5,7 triệu công dân vào quý 3/2021, theo đó người dân Singapore và người nước ngoài định cư lâu dài được tiêm miễn phí. Singapore ghi nhận 58.569 ca nhiễm, tăng 27 ca trong 24 giờ qua. Số ca tử vong duy trì ở mức 29.
"Đây là thách thức mà chúng ta phải vượt qua trong năm mới", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong video được công bố một ngày trước ngày kỷ niệm một năm Trung Quốc lần đầu tiên báo cáo các trường hợp viêm phổi lạ cho cơ quan này.
"Vaccine mang lại hy vọng lớn để lật ngược tình thế của đại dịch. Nhưng để bảo vệ thế giới, chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh ở khắp mọi nơi, không chỉ ở những quốc gia có đủ tiền mua vaccine, đều được tiêm chủng", ông nói.
VietBF sưu tầm