Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố theo đuổi trục xuất 10 đại sứ phương Tây, bao gồm cả Đại sứ Mỹ, Đức và Pháp đã khiến đồng lira của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục hôm 25/10.
Theo đó, đồng tiền này được giao dịch ở mức 9,738 lira đổi 1 USD vào lúc 18h45 theo giờ Hà Nội. Trước đó, nó phá kỷ lục thấp nhất mọi thời đại là 9,82 lira đổi 1 USD hồi đầu ngày.
Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Erdogan tuyên bố ông đang yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này áp dụng quy chế để buộc Đại sứ Mỹ và 9 nước phương Tây khác rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau khi họ kêu gọi trả tự do cho Osaman Kavala, người bị cáo buộc có liên quan tới vụ đảo chính nhằm lật đổ ông Erdogan vài năm trước.
Tuy nhiên, ngay từ tuần trước, các nhà phân tích đã cảnh báo về việc đồng lira mất giá. Việc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát gia tăng có thể khiến đồng lira rơi sâu hơn nữa. Kể từ đầu năm tới nay, đồng lira đã giảm 24% so với đồng USD.
"Nếu lời đe dọa của ông Erdogan được hiện thực hóa, nó sẽ gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây kể từ khi AKP nắm quyền năm 2002", một nhà phân tích cho biết. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) hiện do ông Erdogan là chủ tịch.
Hiện tại, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thực hiện chỉ thị của ông Erdogan vì "chưa có nhà ngoại giao nào nhận thông báo chính thức". Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, người chịu trách nhiệm thực hiện mệnh lệnh, chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Erdogan cũng làm gia tăng căng thẳng giữa phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ, điều tác động đến đồng lira vốn đã yếu. Các nhà đầu tư từ lâu cũng bày tỏ lo ngại về sự thiếu độc lập của Ngân hàng trung ương với Chính quyền của ông Erdogan. Vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn được giới tài chính nhắc tới nhiều khi gọi lãi suất là "con quỷ" và tin rằng cắt giảm lãi suất sẽ giảm lạm phát – điều ngược lại với quan điểm của hầu hết các nhà kinh tế.
Một số nhà kinh tế cũng tin rằng việc trục xuất các đại sứ sẽ khiến phương Tây thiếu hiện diện ngoại giao ở Ankara và sẽ ảnh hưởng tới ông Erdogan. Ngoài ra, điều này cũng sẽ làm giảm đầu tư nước ngoài vào Thổ Nhĩ Kỳ.
10 đại sứ mà ông Erdogan nhắm tới, gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, New Zealand và Hà Lan. 5 trong số các nước này nằm trong top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm này cũng bao gồm 7 thành viên NATO và 6 thành viên EU.
Hôm 23/10, Trong một phát biểu trên truyền hình ở Eskisehir, phía tây thủ đô Ankara, ông Erdogan cho biết: "Tôi đã đưa ra những mệnh lệnh cần thiết và yêu cầu Bộ Ngoại giao nhanh chóng ban hành tuyên bố 10 đại sứ này không có tư cách".
Việc tuyên bố một nhà ngoại giao "không có tư cách" đồng nghĩa với việc họ sẽ bị cấm ở lại quốc gia ban bố, trong trường hợp này là Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan cũng nêu đích danh 10 đại sứ của các nước Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Canada, Na Uy và New Zealand sau khi họ ra tuyên bố chung kêu gọi trả tự do cho doanh nhân kiêm nhà từ thiện Osman Kavala.
VietBF @ Sưu tầm