Phong độ đỉnh cao với RB Salzburg, Dortmund rồi Man City hiện tại giúp Erling Haaland vượt trội các đàn anh Messi, Ronaldo, Benzema, Lewandowski... ở cùng độ tuổi.
"Cỗ máy ghi bàn", "Quái vật", "Robot"... Haaland ngày càng được gán nhiều biệt danh theo phong độ xuất thần của anh trong màu áo Man City - ghi 17 bàn chỉ trong 11 trận đầu tiên. Nhưng như HLV Pep Guardiola nói sau trận derby Manchester ngày 2/10, tiền đạo Na Uy 22 tuổi sẽ chỉ có thể tiến bộ hơn. Hattrick vào lưới Man Utd tại Etihad giúp Haaland có 152 bàn ở cấp CLB và 21 bàn cấp ĐTQG. Đây là thống kê ghi bàn hiếm thấy, ngay cả với những siêu sao tiền đạo đàn anh
Lionel Messi không thể sánh được với những con số phi thường của Haaland ở cùng độ tuổi, về khả năng ghi bàn. Ngôi sao Argentina có 44 pha lập công sau 112 lần ra sân cho Barca, khi chủ yếu bám biên phải, và góp công vào ba chức vô địch La Liga và hai Champions League. Tuy nhiên, Haaland khó phá kỷ lục giành liên tiếp bốn Quả Bóng Vàng từ tuổi 23 của Messi.
Cristiano Ronaldo giành Quả Bóng Bạc năm 2007 ở tuổi 22, xếp trên Messi và chỉ thua Kaka. Một năm sau, tiền đạo Bồ Đào Nha đoạt Quả Bóng Vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Giai đoạn đầu sự nghiệp, Ronaldo đá tiền đạo cánh và chỉ cán mốc 50 bàn sau sinh nhật lần thứ 22 vào tháng 4. Anh cũng phải đợi thêm nửa tháng nữa để lập cú hat-trick đầu tiên trong tổng số 50 cú hat-trick trong sự nghiệp.
Kylian Mbappe là một trong hai tiền đạo tiềm năng bậc nhất thế giới hiện tại, bên cạnh Haaland. Bộ đôi này được kỳ vọng sẽ chiếm ánh đèn sân khấu trong ít nhất 10 năm tới, sau kỷ nguyên thống trị của Messi và Ronaldo.
Mbappe lớn hơn Haaland 18 tháng, nhưng giành giải Cậu bé vàng sớm hơn tiền đạo Na Uy tới ba mùa, sau mùa giải bùng nổ với Monaco, PSG và tuyển Pháp năm 2017. Mbappe hiện có 208 bàn từ 286 lần ra sân với hiệu suất trung bình 0,73 bàn mỗi trận, thua kém một chút so với 0,78 của Haaland. Ở tuổi 22, Mbappe ghi ít hơn chín bàn so với Haaland, dù đá nhiều hơn 23 trận.
Karim Benzema là ứng viên số một cho danh hiệu Quả Bóng Vàng 2022, khi ghi 44 bàn và 15 kiến tạo trên mọi đấu trường, góp công lớp giúp Real đoạt cú ăn ba gồm Siêu Cup Tây Ban Nha, La Liga và Champions League mùa trước. Ở cấp độ ĐTQG, Benzema cũng gây ấn tượng khi trở lại tuyển Pháp, cùng đội vô địch Nations League, rồi đứng thứ ba danh sách ghi bàn tại sân chơi này cũng như Euro 2020 - giải đấu diễn ra muộn một năm vì Covid-19.
Ở tuổi 21, Benzema gây tiếng vang khi có 66 bàn qua 148 lần ra sân cho Lyon, và được Real tuyển mộ với tổng phí gần 50 triệu USD năm 2009. Trong mùa đầu tiên ở Bernabeu, anh không đáp ứng được kỳ vọng chỉ ghi chín bàn. Nhưng Benzema dần hoàn thiện để trở thành huyền thoại của Real, ghi 327 qua 611 trận, giúp CLB đoạt bốn La Liga và năm Champions League.
Robert Lewandowski không được đánh giá cao như Haaland ở cùng độ tuổi, bởi anh vẫn thi đấu ở Ba Lan. Sam Allardyce là người hiếm hoi nhìn thấy tiềm năng và cố gắng đưa Lewandowski đến Blackburn Rovers vào năm 2010. Tuy nhiên, thương vụ đổ bể khi núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland phun trào, khiến tất cả các chuyến bay đến và ra khỏi Anh bị hoãn.
Thay vào đó, tiền đạo Ba Lan gia nhập Dortmund và thăng tiến sự nghiệp. Anh giành hai chức vô địch Bundesliga liên tiếp, vào chung kết Champions League trước khi cập bến Bayern theo dạng tự do. Nhưng ở tuổi 22, Lewandowski vẫn là một ngôi sao đang lên của bóng đá Ba Lan, ghi 21 bàn sau 32 lần ra sân cho đội bóng hạng nhì Znicz Pruslow, rồi ghi thêm 41 bàn sau 82 trận cho Lech Poznan (áo xanh trong ảnh).
Zlatan Ibrahimovic gia nhập Ajax với mức giá kỷ lục CLB 10 triệu USD ở tuổi 22. Thời điểm đó, anh là tiền đạo tương đối vô danh khi mới khoác áo CLB Malmo ở quê nhà Thụy Điển. Nhưng anh nhanh chóng thể hiện sự khác biệt trên sân cỏ và được so sánh với huyền thoại Marco van Basten trong suốt 4 năm ở Hà Lan. Ibrahimovic ghi 48 bàn qua 110 lần ở tuổi 22, và chỉ thực sự bùng nổ khi tới AC Milan và PSG ở thời kỷ đỉnh cao.
Alan Shearer vẫn giữ kỷ lục ghi 260 bàn tại Ngoại hạng Anh, dù đã giải nghệ từ năm 2006. Ở tuổi 22, cựu tiền đạo Anh có bảy bàn qua bảy trận đầu tại Ngoại hạng Anh, thua xa thành tích 11 bàn của Haaland. Dù mới đá ở Ngoại hạng Anh chưa đầy hai tháng, Haaland được kỳ vọng sẽ xô đổ kỷ lục của Shearer. "Tôi nghĩ nếu Haaland có thể làm điều đó nếu thi đấu đủ lâu ở Ngoại hạng Anh", Shearer thừa nhận.
Jorgen Juve, sinh năm 1906, là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử tuyển Na Uy, với 33 bàn chỉ sau 45 trận. Ông là đội trưởng tuyển Na Uy đã giành được HC đồng tại Olympic năm 1936.
Chỉ là vấn đề thời trước khi kỷ lục này bị xô đổ bởi Haaland - tiền đạo đứng thứ tám trong danh sách ghi bàn mọi thời đại của Na Uy với 21 bàn qua 23 trận. Tuy nhiên, Juve đạt hiệu suất tốt hơn ở tuổi 22, khi ghi 26 bàn qua 26 trận đầu, gồm bốn cú hat-trick, gấp đôi Haaland. Cố tiền đạo này sa sút ở nửa sau sự nghiệp, tịt ngòi trong 14 trận cuối khoác áo Na Uy trước khi giải nghệ ở tuổi 27.